Chung cư xuống cấp trên địa bàn TP.HCM hiện có số lượng lớn nhưng việc huy động nguồn lực cải tạo chung cư chưa có lối thoát khiến vấn đề vẫn trở nên bức bối.
Hiện nay TP.HCM đang có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, đã xuống cấp. Trong đó, có 13 chung cư thuộc nhóm D - loại xuống cấp trầm trọng. Theo kế hoạch, năm 2018 TP sẽ tháo dỡ, xây dựng lại 7 chung cư hư hỏng nặng cấp độ D này, thế nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Thiếu nguồn lực tham gia
Mặc dù TP.HCM đã có cơ chế cho phép UBND các quận huyện trên địa bàn TP thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm; Cấp huyện được công nhận chủ đầu tư cũng như chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án. Thế nhưng tình trạng cải tạo, xây mới các chưng cư cũ, xuỗng cấp trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn ra chậm chạm, chưa giải quyết được triệt để vấn đề.
Trong 10 năm qua, TPHCM chỉ mới tháo dỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng với khoảng 4.000 hộ gia đình cư trú. Tốc độ cải tạo chung cư cũ rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cuộc sống của người dân, cũng như chương trình chỉnh trang đô thị.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cải tạo chung cư cũ ì ạch là do TP không thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân cùng tham gia.
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia bất động sản, nguyên nhân chủ yếu chương trình cải tạo chung cư cũ không thu hút được nhiều thành phần doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia do phần lớn các chung cư cũ có diện tích đất nhỏ, dân số lại đông. Bên cạnh đó, việc xây dựng, cải tạo đang gặp khó, bởi hiện nay, nhiều chung cư cũ đã có chủ đầu tư “xí phần”.
Bài toán nào tháo gỡ?
Một thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp khi đã nhận quyết định cho phép xây dựng, cải tạo chung cư cũ vẫn chưa thực hiện theo tiến độ mà thành phố đề ra. Nhiều doanh nghiệp viện vào đủ thứ lý do như chưa thương lượng giải phóng mặt bằng với người dân, chưa có chỗ tái định cư để di dời cư dân… Nguyên nhân là những doanh nghiệp này không nhìn thấy được lợi nhuận từ việc cãi tạo chung cư cũ nên tìm cách trì hoãn hoặc chuyển lại cho đơn vị khác.
Để giải quyết khó khắn nêu trên theo các chuyên gia, chính quyền phải có cơ chế chính sách để cân đối giữa quyền lợi của nhà đầu tư và người dân, nên xây dựng cơ chế mở để cho nhà đầu tư tự căn cứ theo khung chính sách và tự thỏa thuận với người dân.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM để tháo gỡ khó khăn trong công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, các quận, huyện phải vượt ra khỏi sự ràng buộc của từng dự án, rộng hơn nữa là thoát ra khỏi địa giới hành chính của các quận, huyện để liên kết, tạo quỹ đất đủ lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia vào chương trình này.