Kinh tế thế giới

Trái phiếu Mỹ bị bán tháo, ông Trump sẽ đảo ngược chính sách thuế quan?

Trường Đặng 14/04/2025 11:07

Biến động bất thường trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ tuần qua - dù thầm lặng - nhưng có thể là một biến số then chốt khiến Tổng thống Mỹ phải tạm dừng các mức thuế khắc nghiệt.

Từng được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn bất ổn, trái phiếu chính phủ Mỹ đang dần mất sức hút khi triển vọng dài hạn của Mỹ suy yếu
Biến động của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ có phần tác động tới chính sách gần đây của Tổng thống Mỹ, theo các chuyên gia

Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài tăng vọt – kéo theo loạt hệ lụy với thị trường tài chính và chi phí vay của chính phủ – chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã buộc phải “giảm nhiệt” để tránh làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn.

Tín hiệu bất an từ lợi suất trái phiếu Mỹ

Trong vòng năm ngày qua, lợi suất (yield) trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm – một chỉ số tài chính được xem là “la bàn” cho cả nền kinh tế Mỹ – đã tăng gần 50 điểm cơ bản, chạm mốc 4,49%; lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng tăng gần nửa điểm phần trăm, lên mức 4,87% do làn sóng bán tháo trái phiếu Mỹ từ giới đầu tư toàn cầu. Đây là đợt tăng mạnh nhất kể từ sau đại dịch COVID-19.

Thị trường trái phiếu, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động, giờ đây lại đang vận động như một tài sản rủi ro. Các chiến lược gia cảnh báo, trái phiếu chính phủ Mỹ – công cụ vốn được xem là “phi rủi ro” – đang bị chính sách thất thường của ông Trump làm cho biến dạng.

“Thật sự đáng sợ. Chúng ta đang tái định nghĩa khái niệm ‘lãi suất phi rủi ro’,” Bhanu Baweja, chiến lược gia trưởng tại UBS Group AG của Thụy Sĩ, nhận định.

Tuần trước, ông Trump đã áp mức thuế 145% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời duy trì mức thuế cao với nhiều nước đồng minh. Động thái này đã gây sốc trên Phố Wall, kéo theo làn sóng bán tháo trái phiếu khi nhà đầu tư lo ngại Mỹ có thể bước vào một cuộc chiến thương mại toàn diện, kéo lùi tăng trưởng và làm phình to thâm hụt ngân sách.

Với mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tiệm cận 4,5% và có nguy cơ vượt 5% nếu tình hình tiếp diễn, chính quyền Mỹ phải đối mặt với bài toán kép: chi phí vay của chính phủ tăng cao, trong khi thị trường bất động sản và doanh nghiệp cũng chịu sức ép từ lãi suất dài hạn leo thang. Đáng chú ý, đây lại là những lĩnh vực mà ông Trump từng cam kết hỗ trợ thông qua việc “kéo giảm lãi suất để giúp người dân Mỹ thoát nợ.”

Cú sốc lợi suất cũng làm gia tăng áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Một loạt nhà băng lớn như JPMorgan, Goldman Sachs và Deutsche Bank đã lên tiếng cảnh báo Fed cần có động thái can thiệp, từ việc bơm thanh khoản cho tới tái triển khai các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) để ổn định thị trường.

Jamie Dimon, CEO của JPMorgan, thậm chí dự báo về một “cuộc rối loạn trên thị trường trái phiếu Kho bạc” nếu FED tiếp tục đứng ngoài cuộc.

Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, mới đây phía Nhật Bản đã lập tức trấn an thị trường, khi tuyên bố không có ý định sử dụng lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ mà nước này đang nắm giữ như một công cụ đàm phán để đối phó với các mức thuế của Mỹ trong cuộc đàm phán giữa hai chính phủ dự kiến diễn ra vào ngày 17 tháng 4.

“Là một đồng minh, chúng tôi sẽ không cố tình hành động chống lại trái phiếu chính phủ Mỹ, và việc gây ra sự hỗn loạn trên thị trường chắc chắn không phải là điều nên làm,” ông Itsunori Onodera, Trưởng ban chính sách của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), phát biểu trên đài NHK vào Chủ Nhật ngày 13/4.

Sự bất an của thị trường tài chính Mỹ có thể là lý do khiến ông Trump giảm nhiệt cuộc chiến thuế quan (Ảnh: BS)
Sự bất an của toàn bộ thị trường tài chính Mỹ có thể là lý do khiến ông Trump giảm nhiệt cuộc chiến thuế quan (Ảnh: BS)

Vì sao thị trường trái phiếu Mỹ quan trọng?

Thị trường trái phiếu Mỹ có vai trò cốt lõi trong việc định hình chi phí vay, phản ánh kỳ vọng chính sách, và là nơi trú ẩn của dòng tiền quốc tế khi bất ổn xảy ra.

Được công nhận là tài sản "phi rủi ro" tiêu chuẩn, lợi suất trái phiếu được dùng làm cơ sở để định giá mọi loại tài sản khác – từ cổ phiếu, bất động sản cho đến trái phiếu doanh nghiệp. Khi lợi suất thay đổi, tác động không chỉ dừng lại ở nhà đầu tư Mỹ, mà còn lan ra toàn cầu thông qua lãi suất vay, tỷ giá và dòng vốn đầu tư.

Với quy mô khoảng 30.000 tỷ USD, thị trường trái phiếu Mỹ lớn hơn nhiều lần so với thị trường chứng khoán Mỹ. Quan trọng hơn, người tham gia thường là các ngân hàng trung ương, chính phủ nước ngoài, quỹ hưu trí và các tổ chức tài chính toàn cầu. Điều này khiến trái phiếu trở thành "xương sống" của hệ thống tài chính, nơi mọi cú sốc chính sách đều để lại dấu vết rõ rệt.

Trên thực tế, chính quyền Trump đã bất ngờ rút lại một số mức thuế nặng nhất vào phút chót. Dù ông vẫn tiếp tục đe dọa thuế quan và giữ giọng điệu cứng rắn, động thái hạ nhiệt rõ ràng đã giúp ổn định tạm thời thị trường tài chính.

Vấn đề là, liệu đây có phải là sự điều chỉnh chiến thuật hay chỉ là bước lùi tạm thời? Các chuyên gia nhận định rằng nếu lợi suất tiếp tục tăng, còn Trung Quốc tiếp tục gây áp lực thông qua thị trường trái phiếu, thì chính sách thương mại của ông Trump sẽ buộc phải điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trái phiếu Mỹ bị bán tháo, ông Trump sẽ đảo ngược chính sách thuế quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO