Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH khẳng định: Hiện tại, mặt hàng xăng dầu đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí. Vì vậy, Bộ Tài chính nên cơ cấu lại thu chi thay vì cứ thâm hụt thì đổ vào xăng dầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Cụ thể, đối với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít... Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019.
- Ông bình luận như thế nào về vấn đề này? Đây có phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế không thưa ông?
Đây không phải là thời gian thích hợp để tăng thuế môi trường với xăng dầu. Bởi khi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng thì từ hạt gạo, mớ rau, con cá tới quả trứng đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Việc tăng thuế này trước mắt chưa có tác động ngay nhưng chỉ sau khoảng 3 tháng toàn bộ nền kinh tế sẽ có tác động tiêu cực bởi tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng.
Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải, bốc xếp tăng. Điều này lại đi ngược với chỉ đạo giảm chi phí Logistic xuống 50% của Thủ tướng chính phủ. Nhìn rộng ra, chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường.
- Việc tăng thuế xăng dầu này liệu có dẫn đến nguy cơ trở thành tiền lệ để về sau cứ thiếu hụt nguồn thu là tăng thuế xăng dầu không, thưa ông?
Thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu là mặt hàng dễ thu nhất, đây là lựa chọn dễ dàng nhất để tăng thu ngân sách. Việc Bộ Tài chính, tăng thuế lần này, nếu không gặp phải sự phản đối của người dân thì rất dễ tạo tiền lệ cho các lần sau, cứ thấy khó khăn là bộ này lại “ngựa quen đường cũ” và tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
“Cần phải bảo đảm được nguồn thu cần thiết, đồng thời cần nuôi dưỡng nguồn thu để có sự phát triển bền vững”.
- Nhiều người nghi ngờ tỷ lệ thuế, phí cho môi trường trong mỗi lít xăng, dầu rất cao, nhưng liệu có được sử dụng cho bảo vệ môi trường hay không? Ông nghĩ thế nào về điều này?
Tôi nghĩ điều này cần phải được làm rõ. Thêm vào đó, việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì phải sử dụng vào đúng mục đích bảo vệ môi trường chứ cứ hòa cả vào ngân sách thì cũng chẳng chi bao nhiêu cho môi trường. Như vậy là không được. Tăng thuế bảo vệ môi trường thì phải sử dụng nguồn thu này phục vụ tối đa cho bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
09:12, 27/09/2018
06:47, 27/09/2018
06:16, 26/09/2018
Hiện tại, ngân sách đang căng thẳng, phải thu thêm. Nhưng điều quan trọng là không chỉ nghĩ đến thu mà phải nghĩ đến nhiều hơn đến vấn đề chi để vấn đề ngân sách được cân bằng lại chứ không thiếu hụt quá nhiều quá như hiện tại. Đồng thời, song song với đó, Chính phủ chỉ nên để ngân sách thâm hụt trong ngưỡng cho phép.
- Vậy giải pháp ở đây là gì, thưa ông?
Thay vì chỉ tập trung vào tăng thuế xăng dầu – một cách dễ làm nhất, thì Bộ nên có biện pháp mở rộng thu khác, tái cơ cấu thu – chi xăng dầu, bởi trong tái cơ cấu, không chỉ có tăng thu mà giảm chi nhiều khoản.
Hiện tại, việc chi thường xuyên đã chiếm tới 70% tổng chi ngân sách. Vậy sao không cắt giảm các khoản chi thường xuyên để bù vào khoản ngân sách thiếu hụt mà lại tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đồng thời, nên cắt giảm các khoản chi lãng phí, không hiệu quả như đi nước ngoài, chi phí lễ tân, tiếp khách thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.
- Xin cảm ơn ông!