Open AI lại trở thành tâm điểm của giới kinh doanh thế giới khi bị Elon Musk, tỷ phú công nghệ nổi tiếng, kiện vì lý do vi phạm hợp đồng.
Lập luận của Musk là công ty khởi nghiệp này ban đầu được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích xây dựng AI vì lợi ích của nhân loại, thế nhưng sau đó đã thành lập một công ty con tạo ra lợi nhuận.
>>Đạo luật kỹ thuật số của EU tác động ra sao đến doanh nghiệp?
Nhà sản xuất của Chat GPT còn chấp nhận khoản đầu tư lớn từ Microsoft với giá 3 triệu USD để đổi lấy quyền truy cập độc quyền vào công nghệ của tập đoàn này. Theo ông Musk, cũng là một nhà đầu tư ban đầu vào Open AI, những hành động này không mang lại lợi ích cho nhân loại mà làm lợi cho "tập đoàn lớn nhất thế giới”.
Cáo buộc của ông Musk có giá trị pháp lý hay không vẫn chưa rõ ràng, theo các chuyên gia trong ngành. Vào ngày 5/3, Open AI của nhà sáng lập Sam Altman đã đáp trả bằng cách công bố các email, trong đó ông Musk dường như ủng hộ kế hoạch thành lập một doanh nghiệp vì lợi nhuận.
Những vụ việc gây tranh cãi mới nhất tiếp tục bổ sung vào danh sách những thách thức truyền thông mà công ty trí tuệ nhân tạo (AI) nổi tiếng nhất thế giới phải đối mặt trong thời gian gần đây. Những nhà đầu tư có lý do để lo ngại.
Vấn đề của Open AI bắt đầu nhen nhóm vào tháng 11 năm ngoái, khi Hội đồng quản trị sa thải Sam Altman, CEO của công ty. Greg Brockman, người đồng sáng lập ra cha đẻ của Chat GPT, đã cáo buộc Altman không “thường xuyên thẳng thắn trong giao tiếp của mình”. Vụ việc đã kết thúc khi Microsoft bổ nhiệm cả Altman và Brockman vào các nhóm nghiên cứu AI của mình.
Nhưng kể từ đó, vụ việc đã khiến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) chú ý và hiện đang điều tra xem liệu ông Altman có lừa dối các nhà đầu tư hay không.
Tiếp đến vào tháng 12/2023, tờ New York Times của Mỹ đã kiện Open AI và Microsoft vì vi phạm bản quyền, cho rằng công ty khởi nghiệp này đã sử dụng các bài báo của tờ báo để giúp đào tạo các mô hình của mình. Ngày 5/3, Microsoft đã đệ đơn kiến nghị bác bỏ vụ việc.
Vào tháng 1/2024, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với thỏa thuận của Open AI với Microsoft. Các cơ quan quản lý ở Anh và EU đang xem xét những động thái tương tự.
>>Các doanh nghiệp toàn cầu đang ứng dụng AI như thế nào?
Cho đến nay, những rào cản pháp lý như vậy vẫn chưa làm nản lòng khách hàng và nhà đầu tư. Theo SameWeb, một công ty dữ liệu, Open AI đã đạt được 1,6 tỷ lượt truy cập trong tháng 2, gấp 5 lần so với đối thủ Gemini của Google. Các cuộc khảo sát của các công ty lớn cũng cho thấy Open AI và Microsoft là những nhà cung cấp phổ biến nhất về công cụ AI.
Trong tháng 12/2023, Open AI đã đạt doanh thu hàng năm là 2 tỷ USD, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2022. Giờ đây, các nhà đầu tư mạo hiểm báo cáo rằng các công ty khởi nghiệp mà họ ủng hộ coi mô hình Chat GPT là tốt nhất về giá cả và hiệu suất. Thậm chí đã có tin Temasek - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore - muốn có cổ phần trong công ty.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng hành động pháp lý ngày càng gia tăng có thể gây trở ngại cho Open AI về lâu dài.
Chuyên gia Brendan Burke của công ty nghiên cứu PitchBook, lập luận công ty có thể sẽ phải lo lắng trước những rủi ro về pháp lý bổ sung mà các mô hình mới có thể tạo ra. Điều đó có thể khiến Open AI một lần nữa đẩy lùi việc phát hành Chat GPT-5, được kỳ vọng là AI mạnh nhất thế giới.
Sự chậm trễ đó cũng sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ, khi họ có thêm thời gian để bắt kịp về mặt công nghệ.
Vào giữa tháng 2/2024, Google đã cập nhật mô hình Gemini của mình, tuyên bố rằng phiên bản mới có thể xử lý nhiều dữ liệu hơn GPT-4. Hai tuần sau, Mistral, một công ty khởi nghiệp Pháp, tung ra một mô hình nhỏ nhưng hiệu suất cao. Vào ngày 4/3, Anthropic, một công ty khởi nghiệp AI được Google và Amazon hậu thuẫn, đã phát hành AI Claude 3 mới nhất, tuyên bố rằng nó vượt trội hơn GPT-4 trong một số nhiệm vụ (bao gồm cả kỳ thi luật sư cao cấp).
Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ cẩn thận hơn về việc đa dạng hóa gói công cụ AI của họ. Một số công ty khởi nghiệp và tập đoàn hiện đang thiết kế phần mềm của họ nhằm dễ dàng chuyển đổi giữa mô hình của GPT - 4 sang các lựa chọn thay thế. Đây vừa là một phần trong kế hoạch giảm thiểu chi phí bằng cách sử dụng các mô hình rẻ hơn, kém mạnh mẽ hơn cho các nhiệm vụ đơn giản hơn; nhưng cũng là cách bảo hiểm trong trường hợp một nhà sản xuất mô hình gặp rắc rối.
Theo Paul Daugherty của công ty tư vấn Accenture, một trong những câu hỏi phổ biến nhất về AI mà các ông chủ đặt ra là họ nên sử dụng mô hình nào – một tín hiệu cho thấy Open AI không còn là lựa chọn mặc định nữa.
Ngay cả Microsoft cũng đang mở rộng các khoản đầu tư rủi ro của họ. Tháng trước, họ đã công bố hợp tác với Mistral, công ty có các mô hình nguồn mở sẽ có sẵn trên đám mây Azure của Microsoft. Gã khổng lồ này cũng sở hữu mô hình chatbot của riêng mình là Copilot.
Có thể bạn quan tâm
Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
04:00, 05/03/2024
"Nóng" cuộc đua đưa AI vào các thiết bị
02:00, 03/03/2024
Mỹ kém Nhật Bản trong thu hút TSMC, bài học nào về thu hút FDI?
03:00, 27/02/2024
Bùng nổ điện thoại AI
01:00, 27/02/2024
Thị trường điện thoại Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ
04:00, 09/03/2024