Tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, nỗi lo lạm phát, biến chủng Omicron, sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc… đã và đang cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2022 đạt 4,9%, giảm mạnh so với mức dự báo 5,9% trong năm 2021.
Sau năm 2020 với mức tăng trưởng âm 3,5%, nền kinh tế toàn cầu có một năm tăng trưởng hết sức mạnh mẽ khi GDP toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ đạt 5,6- 5,9%. Tuy nhiên, tăng trưởng không đồng đều, thậm chí một số nước trở nên nghèo hơn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, còn xuất hiện một số dấu hiệu không bền vững.
Mỹ và các nền kinh tế phát triển phục hồi mạnh mẽ, trong khi các nền kinh tế mới nổi khó khăn vì phải vật lộn đối phó với các biến thể Delta và Omicron. Tăng trưởng GDP của Mỹ cả năm 2021 dự báo đạt 5,4%, EU là 6,8% và Nhật Bản là 4,2%. Trong khi một số nền kinh tế mới nổi lại gặp khó khăn và có mức tăng trưởng thấp như Indonesia dự báo đạt mức tăng trưởng 3,5%, Thái Lan 0,8%, Philippines là 4,5%, Việt Nam 3,8%, và Malaysia là 4,7%.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến đạt tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 8,1%. Tuy nhiên, quốc gia này đối mặt nhiều bất ổn, như tình trạng vỡ nợ hàng loạt công ty bất động sản, tình trạng thiếu điện gây hỗn loạn sản xuất công nghiệp và bất ổn xã hội, chính sách zero-covid cực đoan làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và gián đoạn sản xuất trong nước. Ngoài ra, chiến dịch chấn áp các công ty công nghệ lớn cũng góp phần giảm tăng trưởng, gia tăng thất nghiệp của Trung Quốc. Tất cả những điều nói trên có thể trở thành một rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cẩu trong năm 2022 và xa hơn nữa.
Kinh tế toàn cầu có thể vẫn tiếp tục phục hồi năm 2022. Tuy nhiên, có thể sẽ xuất hiện nhiều bất ổn và sự khác biệt về phục hồi giữa các nước. Do đó, GDP toàn cầu khó đạt mức tăng trưởng như dự báo của IMF.
Trong khi kinh tế thế giới phục hồi không đều trong đại dịch thì nhiều rủi ro lại xuất hiện vào cuối năm 2021 che phủ triển vọng của năm 2022.
Thứ nhất, nếu FED đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ như dự kiến, thì đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sẽ mất giá, dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao. Nghĩa là nền kinh tế vẫn đang trì trệ, lại phải đương đầu với lạm phát, hay còn gọi là lạm phát đình đốn. Tình huống này khiến các NHTW mất dư địa để kích thích nền kinh tế. Nếu hạ và/hay duy trì lãi suất thấp để kích thích kinh tế, thì lạm phát sẽ trở nên nguy hiểm gây bất ổn vĩ mô. Ngược lại, nếu nâng lãi suất để ngăn lạm phát thì nền kinh tế sẽ trì trệ kéo dài.
Thứ hai, biến chủng Omicron có sức lây lan khủng khiếp dường như đập tan mọi hy vọng phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu. Goldman Sachs đã tính toán rằng những diễn biến này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu quý I/2022 giảm xuống còn 2%, thay vì 2,25% như dự báo trước đó.
Thứ ba, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng nhanh chóng vì gặp phải nhiều thác thức rất lớn như đã đề cập ở trên. Năm 2022, kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng từ 5,1% - 5,6%. Tuy nhiên, vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay và trong tương lai đang dần chuyển sang Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, nên tác động tiêu cực từ những bất ổn ở Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không lớn.
Thứ tư, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dự báo sẽ giảm dần và sẽ kết thúc vào giữa năm 2022 khi các công ty tìm cách ổn định được chuỗi cung ứng của mình và các nền kinh tế sẽ dần tái mở trở lại nhờ tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, như đề cập ở trên biến thể Omicron có thể làm hỏng tiến trình này.
Nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Tuy nhiên, có thể xuất hiện nhiều bất ổn, và sự khác biệt về phục hồi giữa các nước và nhóm nước vẫn sẽ còn. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2022 là 4,9% so với mức dự kiến 5,9% trong năm 2021. Tuy nhiên, dự báo này được đưa ra trước nhiều rủi ro như đề cập ở trên. Do đó, mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 khó đạt được mức dự báo của IMF.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ và EU và các nền kinh tế phát triển khác vì Việt Nam duy trì được quan hệ tốt với với hầu hết các nước này cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, và cả chính trị. Việt Nam vẫn là nơi có sức hút đối với FDI vì có nhiều FTAs với các đối tác lớn và quan trọng.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có chính sách thích hợp để hưởng lợi từ những yếu tố trên. Trước mắt, cần có biện pháp kiểm soát dịch tốt, nhưng gây tổn hại đến sản xuất ít nhất. Đặc biệt, cần nhanh chóng đưa ra gói cứu trợ và phục hồi nhằm đưa nền kinh tế trở lại bình thường.
Trong bối cảnh FED chuyển nhanh sang thắt chặt tiền tệ, Việt Nam may mắn có được mức lạm phát khá thấp nên chưa phải đối phó với tình trạng lạm phát đình đốn. Thậm chí, sự mất giá của VND, nếu có, cũng có thể xem là tốt cho xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
20:02, 28/12/2021
05:30, 25/12/2021
15:00, 17/12/2021
05:07, 01/12/2021
04:00, 12/09/2021