Nhân lực đáng ra phải trợ lực, nhưng lại đang là trở lực, thách thức lớn để Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhận định về khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, TS. Pinelopi Goldberd, Phó Chủ tịch cao cấp, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank cho biết: Việt Nam đã làm đúng trong giai đoạn đầu của chuỗi toàn cầu. Sang đến giai đoạn này, tin tốt là Việt Nam vẫn tham gia vào công đoạn sau đạt 25%, qua được ngưỡng 20%.
Thiếu hụt nhân lực
Theo TS. Pinelopi Goldberd: Khác với các giao dịch thương mại khác, doanh nghiệp trong chuỗi toàn cầu có những nhiệm vụ cụ thể, với chuyên môn cao hơn. Các giao dịch cũng diễn ra dài hạn nên đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ, chuyên môn hoá nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn khác của các đối tác cấp cao nằm trong chuỗi.
Sự tham gia của một quốc gia trong chuỗi giá trị này được xác định dựa trên các nền tảng như: vị trí địa lý, nguồn vốn, số lượng lao động, quy mô thị trường và chất lượng thể chế. Trong số những nền tảng này, vốn là thứ hầu hết các quốc gia đang thiếu, nhưng lại là yếu tố dễ bù đắp được, nhờ vào lượng vốn FDI.
Có thể bạn quan tâm
22:10, 18/09/2019
04:15, 13/09/2019
04:19, 10/09/2019
07:17, 05/09/2019
07:56, 08/08/2019
04:06, 02/08/2019
Mặc dù khẳng định việc tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng đất nước, phúc lợi đời sống và môi trường quốc gia, tuy nhiên TS. Pinelopi Goldberd cho rằng: Việt Nam hiện nay là một quốc gia tích cực tham gia vào chuỗi với hàng dệt may nhưng tham gia ở công nghiệp chế tác với mức độ hạn chế.
“Không có một công thức chung cho các quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị, vì nó phụ thuộc vào sự phát triển, giai đoạn, thách thức của từ nước. Thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là nguồn vốn con người. Các bạn đã làm đúng trong giai đoạn đầu của chuỗi toàn cầu. Nhưng, lực lượng phải được đầu tư nhiều hơn, nghĩa là cần nhiều nguồn lực đổ vào giáo dục" - TS. Pinelopi Goldberd gợi mở.
Điều này hàm nghĩa, thứ quan trọng nhất cần được tập trung để Việt Nam vươn lên trong chuỗi là con người. Nói cách khác đó là năng suất lao động, chất lượng lao động sẽ quyết định khả năng tham gia vào chuỗi toàn cầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam”, được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố cách đây không lâu chỉ rõ: Mặc dù liên tục được cải thiện nhưng khoảng cách về năng suất lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam so với các nước thu nhập trung bình và phát triển vẫn còn rất lớn, chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do VCCI công bố cũng chỉ ra rằng, nguồn nhân sự, kỹ sư giỏi tại Việt Nam vẫn khan hiếm, với 55% doanh nghiệp cho biết, họ tương đối khó và 19% đánh giá là khó có thể tuyển được lao động loại này.
Phương cách cho Việt Nam?
Trước những thực tế như vậy, Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam ”khuyến nghị, Việt Nam cần đặt nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm của chiến lược tăng trưởng bao trùm. Việt Nam cũng cần chuyển trọng tâm thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.
Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân, để có thể xác định các "nút thắt cổ chai" kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành và có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.
Phát biểu tại diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VDRF 2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn rộng ra, đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.