Trợ sức cho doanh nghiệp địa ốc

DIỆU HOA thực hiện 27/02/2023 15:00

Cần một hành động cụ thể để dòng tiền quay trở lại phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực, góp phần “nhóm lửa” ổn định thị trường bất động sản.

>>> Giải bài toán cung cầu bất động sản

Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn xung quanh câu chuyện hỗ trợ “nhóm lửa” thị trường bất động sản (BĐS).

- Vừa qua, sau Hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường BĐS, 2 gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng và NHNN kiến nghị, ông đánh giá như thế nào về các đề xuất này?

Có 3 yếu tố quan trọng và ảnh hưởng đến thị trường một là tăng trưởng tín dụng, hai là lãi suất, và thứ ba là phần chính sách BĐS, trong đó, yếu tố quan trọng nhất là các chính sách BĐS.

Nếu như cuộc khủng hoảng BĐS trước (giai đoạn 2011 - 2013), từ khi tín dụng vào BĐS bị siết năm 2011, thị trường rơi vào khủng hoảng thì 2 năm sau, năm 2013, Chính phủ mới có động thái chính thức để hỗ trợ thị trường. Đặc biệt đó là có gói kích cầu - gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay...

Nhưng hiện tại, Chính phủ đã sớm có những động thái tích cực, từ 2022 Chính phủ nhiều lần họp để tìm cách gỡ khó cho thị trường, các công điện được ban hành, Tổ công tác được thành lập để làm việc với các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cũng đang trong quá trình sửa đổi. Và mới nhất là 2 gói tín dụng được Bộ Xây dựng, NHNN đề xuất.

Tất cả các động thái trên hướng tới thúc đẩy chu kỳ phục hồi thị trường BĐS quay trở lại sớm hơn và đó là điều tích cực cho nền kinh tế. Nhưng điều quan trọng hơn là những chính sách đó được thực thi một cách nghiêm túc để thị trường được vận hành đúng mục tiêu.

- Các chính sách này sẽ tác động ra sao đến thị trường, thưa ông?

Trước tiên phải nói rằng, thị trường BĐS không chỉ cần các chủ đầu tư và doanh nghiệp BĐS mà còn liên quan đến rất nhiều những lĩnh vực khác. Nhưng nhìn chung tâm lý trên thị trường đa phần là đang yếu và còn nhiều e ngại. Do vậy cần có những gói hỗ trợ mạnh để tạo sung lực giao dịch, thúc đẩy sản xuất nhiều hơn.

Bên cạnh đó đối với doanh nghiệp, Nhà nước không thể hỗ trợ từng doanh nghiệp được. Điều quan trọng là có những chính sách cụ thể để vực dậy tâm lý giao dịch quay trở lại, khi tâm lý giao dịch nhiều hơn thì cũng là sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp có giao dịch sẽ có dòng tiền, như vậy họ sẽ dễ để trả những khoản vay đến hạn nhanh hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, hiện nay không có quá nhiều lựa chọn, việc cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại danh mục đầu tư là cần thiết. Họ phải xem xét có khả năng đi vay hay không? Thứ nữa là nếu chuyển nhượng dự án thì phải chấp nhận hòa hoặc lỗ vốn, để có dòng tiền thực hiện các dự án khác và vận hành doanh nghiệp, điều đó tùy chiến lược từng đơn vị.

 Thị trường bất động sản 2023 kỳ vọng phát triển hơn khi các vướng mắc sẽ được tháo gỡ nhanh, kịp thời. Ảnh: TP

Thị trường bất động sản 2023 kỳ vọng phát triển hơn khi các vướng mắc sẽ được tháo gỡ nhanh, kịp thời. Ảnh: TP

- Vậy 2 gói hỗ trợ nếu thành hiện thực có thể “nhóm lửa” thị trường như gói 30.000 tỷ đã từng, thưa ông?

Thứ nhất, gói 30 nghìn tỷ khi đưa ra thị trường mất khoảng 2 quý thì thị trường bắt đầu ngấm, minh chứng khi số lượng hàng tồn kho đã giảm 15%. Với các gói hỗ trợ vừa được đề xuất, nó sẽ tác động tích cực đến thị trường, bởi người mua nhà đặc biệt là những người có nhu cầu ở thực. Nhu cầu ở thực được kích hoạt sẽ giúp tâm lý trên thị trường bớt nặng nề.

Thứ hai, thị trường bắt đầu có nhiều giao dịch hơn sẽ tạo ra niềm tin hơn. Quan điểm của tôi là chắc chắn cần những gói vay như vậy và nếu có thể ra được trong quý I, quý II thì có thể tác động đến thị trường trong năm 2023 này.

- Vậy thì ngoài vấn đề về vốn về tín dụng trái phiếu thì theo ông có giải pháp nào mà doanh nghiệp đang cần nhất lúc này?

Như tôi đã nói tập trung 3 vấn đề: lãi suất, tăng trưởng tín dụng, chính sách BĐS. Bài toán chính sách chính là 2 gói tín dụng vừa được đề xuất, và việc sửa đổi Nghị định 65. Còn với tăng trưởng tín dụng, thực tế là từ năm 2012 - 2013, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có tăng từ 7 - 12%, thị trường đã có dấu hiệu đảo chiều. Như vậy, nếu đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 15 – 16% hoặc hơn thì thị trường có khả năng sẽ phục hồi sớm như kỳ vọng.

- Nhưng nếu 2 gói tín dụng được đưa ra, liệu có lo ngại cơn sốt BĐS một lần nữa hay không, thưa ông?

Thị trường sẽ không thể sốt nóng mà chỉ có thể được ổn định, các giao dịch trở về với những phân khúc đáp ứng được nhu cầu ở thực, giúp dòng tiền chuyển vào thị trường BĐS một cách tích cực. Cùng với những chính sách thuế BĐS, những cơn sốt đất sẽ khó có thể xảy ra.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trợ sức cho doanh nghiệp địa ốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO