Mới đây, cơ quan quản lý nhà ở tại nhiều địa phương của Trung Quốc đã ra thông báo khẩn cấp yêu cầu chấm dứt hoạt động mua bán bất động sản đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu.
Theo tin từ Mingtiandi, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc cho biết trong thời gian gần đây, chính quyền các tỉnh Hồ Bắc, Giang Tô, Hà Nam, Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Quảng Đông đã lần lượt ra yêu cầu chấm dứt các giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Quảng Đông là địa phương mới nhất bày tỏ sự không ủng hộ đối với hình thức giao dịch bất động sản khá phổ biến này. Tỉnh Quảng Đông có hai thành phố lớn là Quảng Châu và Thâm Quyến - đồng thời cũng là hai thị trường nhà đất hoạt động khá nhộn nhịp.
Hình thức giao dịch nhà ở hình thành trong tương lại đã xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1994, cho phép các chủ đầu tư sử dụng tiền thanh toán trước của người mua nhà để chi trả cho các chi phí xây dựng, giao dịch mua đất và đầu tư vào các dự án khác.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thị trường bất động sản Trung Quốc cho rằng hình thức giao dịch này dẫn đến tình trạng nhiều dự án “treo”, trì hoãn kéo dài, không hoàn thành để giao nhà cho người mua, cạnh tranh không lành mạnh và hoạt động bán hàng thiếu chuyên nghiệp, vô tổ chức.
Các chủ đầu Trung Quốc đang chịu áp lực cực lớn từ khoản nợ khổng lồ có tổng trị giá lên tới 23 tỷ USD, phải trả trong quý đầu năm 2019.
Ông Ouyang Jie, Phó Chủ tịch công ty đầu tư bất động sản Seazen Holdings cho biết: “Nếu phải loại bỏ hình thức bán nhà chưa hoàn thiện, lượng tiền mặt của các chủ đầu tư sẽ sụt giảm khoảng 33%.”
Ngoài ra, ông Ouyang cũng dự báo nếu chính sách mới được áp dụng tại các thành phố lớn, có nguồn cung nhà ở khan hiếm thì nhu cầu chắc chắn sẽ tăng lên.
Thâm Quyến là nơi đầu tiên ở Trung Quốc chứng kiến nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hạn chế giao dịch bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đầu năm 2016, chính quyền thành phố này đã bán một lô đất cho một chủ đầu tư với điều kiện chỉ những ngôi nhà đã hoàn thiện mới được phép bán ra thị trường.