Trung Quốc củng cố quân đội "răn đe" Mỹ

NHI NGUYỄN 26/08/2022 04:31

Dù đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức có thể tiếp tục làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng Trung Quốc vẫn thách thức Mỹ trong dài hạn.

Trung Quốc đang gia tăng số lượng tàu sân bay

Trung Quốc đang gia tăng số lượng tàu sân bay

>> Nguy cơ bùng phát Chiến tranh Lạnh mới Mỹ- Trung

Quan hệ Mỹ- Trung đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới thăm hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Những bất ổn trong nước

Trung Quốc đã và đang đối mặt với tình trạng bất ổn, trong đó đáng chú ý là suy giảm nhân khẩu chưa từng có, gánh nặng nợ nần chồng chất, đổi mới không đồng đều và các vấn đề kinh tế nghiêm trọng khác… Tất cả những điều này đã, đang và sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Theo GS Michael Beckley thuộc Đại học Tuff (Mỹ) và GS. Hal Brands thuộc Đại học Johns Hopkins, Trung Quốc đang đi theo một vòng cung thường kết thúc trong bi kịch: Trỗi dậy nhanh chóng, rồi sau đó suy giảm. Tuy nhiên, bất kỳ sự suy giảm kinh tế nào của Trung Quốc có thể được giảm bớt bằng cách chi tiêu mạnh tay cho nghiên cứu và phát triển nhằm bù đắp một phần các vấn đề liên quan đến nợ và nhân khẩu học của quốc gia này.

Trên thực tế, nhân khẩu học của Trung Quốc suy giảm, nhưng quá trình này diễn ra không đột ngột. Năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục. Dân số Trung Quốc dự báo sẽ giảm nhanh hơn vào cuối thế kỷ này, giảm hơn 200 triệu người vào năm 2060, theo một dự báo của Liên Hợp Quốc.

Bà Oriana Skylar Mastro, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng khi dân số Trung Quốc suy giảm, tăng trưởng kinh tế sẽ khó duy trì được tốc độ như hiện nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Ngoài ra, theo bà Oriana Skylar Mastro, vấn đề nợ đã đè nặng lên sự tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng đây không phải vấn đề cấp tính. Tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc dành cho lĩnh vực phi tài chính đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Tính đến cuối năm 2019, mức dư nợ này là 263% GDP. Gánh nặng nợ nần có thể còn tăng lên khi dân số già đi.

>> Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc "tăng nhiệt"

Một yếu tố khác định hình quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc là sự đổi mới. Việc Trung Quốc siết chặt hoạt động của các BigTech đã hạn chế đáng kể sự đổi mới sáng tạo của quốc gia này trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể chi tiêu mạnh tay vào các công nghệ mới, mang lại sự thúc đẩy kinh tế vừa phải và lâu dài. Tuy không thể trở thành nhà đổi mới hàng đầu, nhưng Trung Quốc đã bắt kịp thế giới trong các lĩnh vực quan trọng, như viễn thông 5G và lưu trữ năng lượng.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan đã làm gia tăng thêm căng thẳng Mỹ- Trung.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan đã làm gia tăng thêm căng thẳng Mỹ- Trung.

Thách thức với Mỹ

Dù đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nói trên, nhưng Trung Quốc vẫn mạnh tay chi tiêu cho quân sự. Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 14% chi tiêu quân sự toàn cầu. Đáng chú ý, chi tiêu quân sự của Trung Quốc liên tục tăng trong gần 30 năm qua và dự kiến vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chuyên nghiệp hóa quân đội.

Tất nhiên, quân đội Mỹ sẽ không đứng yên khi Trung Quốc thúc đẩy hoạt động quân sự. Mỹ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và khả năng phục hồi không gian, đồng thời có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi Washington không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung. Ngoài ra, Mỹ cũng bổ sung các tàu không người lái mới cũng như nhiều tàu có người lái hơn vào hạm đội hải quân Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Nổi bật trong những nỗ lực nói trên củ Mỹ là Sáng kiến “Răn đe Thái Bình Dương”, một kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Nhưng ngay cả với những khoản đầu tư này, theo bà Oriana Skylar Mastro, các lực lượng của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có những lỗ hổng mà Trung Quốc có thể khai thác để chống lại Mỹ.

Bà Oriana Skylar Mastro cho rằng trong 10 năm tới, khả năng phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên toàn châu Á sẽ ngày càng tăng. Đến năm 2030, nước này sẽ có thêm nhiều tàu sân bay, một cơ sở hạ tầng mạng và không gian rộng lớn giúp tăng cường khả năng kết nối phục vụ cho tác chiến điện tử. Do đó, khả năng gây sát thương của các lực lượng, vũ khí trên mặt đất và không gian của Trung Quốc có thể gia tăng sự "răn đe" đối với Mỹ, đặc biệt có thể thách thức ưu thế trên không của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương.

“Một Trung Quốc đang ở đỉnh cao sẽ là mối nguy hiểm nhất trong thập kỷ tới, trong khi một Trung Quốc vẫn đang phát triển sẽ là mối đe dọa lâu hơn thế. Do đó, Mỹ nên sử dụng những giải pháp ngắn hạn làm suy giảm khả năng cạnh tranh trong dài hạn đối với Trung Quốc. Trong nhiều năm tới, Mỹ có nhiều khả năng phải đối mặt với một Trung Quốc tự tin, mạnh mẽ hơn. Do đó, để đảm bảo lợi ích của mình ở Châu Á- Thái Bình Dương, Mỹ phải chuẩn bị một kịch bản dài hạn đối phó với Trung Quốc”, bà Oriana Skylar Mastro nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những tác động tới Việt Nam

    Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những tác động tới Việt Nam

    05:00, 17/08/2022

  • Trung Quốc và

    Trung Quốc và "cái cớ" mang tên Pelosi

    04:20, 12/08/2022

  • QUAD tìm cách thay đổi

    QUAD tìm cách thay đổi "cán cân" tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

    04:30, 25/05/2022

  • Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ- Thái Bình Dương

    Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ- Thái Bình Dương

    04:00, 27/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc củng cố quân đội "răn đe" Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO