“Mỹ sẽ tạo ra thêm rắc rối, kích động nhiều cuộc đối đầu trong khu vực, thực hiện thêm các động thái nguy hiểm và hung hăng hơn để kích động xung đột quân sự với Trung Quốc".
Đó là một trong những lời bình luận của các chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc, được Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời mới đây.
Nguồn cơn của những lập luận, mang tính “diều hâu” của một số tướng Trung Quốc là do Mỹ chính thức lên tiếng bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cụ thể là tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngay sau tuyên bố của Pompeo, hải quân Mỹ đăng hình ảnh cho thấy tàu khu trục USS Ralph Johnson áp sát hai thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đơn phương áp đặt tham vọng của nước này với khu vực. Bắc Kinh không đưa ra được căn cứ pháp lý phù hợp nào cho cái gọi là ‘Đường 9 đoạn’ trên Biển Đông kể từ năm 2009” – Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói.
Động thái này cũng thể hiện sự thay đổi bước ngoặt, khi Washington trước đây luôn không tỏ ra đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Bởi, từ trước đến nay, Mỹ chỉ kêu gọi các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ngày 13/7 đã công khai ủng hộ phán quyết của Toà án trọng tài PCA năm 2016 đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng.
Chẳng thế mà một số Báo Trung Quốc cay cú cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cho thấy Mỹ không còn “giả vờ trung lập” trong tranh chấp tại Biển Đông. “Nó báo hiệu Mỹ quyết định giữ một vị trí rõ ràng và muốn đối đầu với Trung Quốc về vấn đề này” - Global Times bình luận.
Tờ báo còn cảnh báo rằng nếu máy bay quân sự của Mỹ tiếp tục bay lượn trong khu vực, tên lửa phòng không có thể được triển khai thêm. Nếu Mỹ diễn tập hàng hải chung với các nước trong khu vực, Trung Quốc cũng sẽ làm vậy.
“Biển Đông nằm trong tầm bắn hiệu quả của các vũ khí chiến lược mà PLA sở hữu. Các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có thể bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông” - Global Times dẫn lời Trang Quốc Thổ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn.
Một bài xã luận khác trên Global Times viết rằng Trung Quốc đủ khả năng để bảo vệ cái gọi là “lợi ích chủ quyền ở Biển Đông”, đồng thời cho rằng Mỹ muốn biến đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á thành “bia đỡ đạn” nếu xảy ra xung đột, thay vì hỗ trợ họ.
“Vì lợi ích quốc gia cao nhất, các nước ASEAN cần duy trì ngoại giao cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ luôn muốn vỗ về hoặc thậm chí ép họ chọn phe mình, biến họ thành bia đỡ đạn trong chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc” – trích từ Global Times.
Thậm chí, ngang ngược hơn là những lời lẽ trên Thời báo Hoàn Cầu. Tờ này đã có bài viết thể hiện thái độ “thù địch” ra mặt với tuyên bố bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu khẳng khái cho rằng Mỹ đang can dự một cách thái quá vào chủ quyền của các quốc gia “không hề liên quan” đến Mỹ.
Theo Thời báo Hoàn Cầu: “Mỹ lúc nào cũng thích nhúng mũi vào chuyện thiên hạ, trong khi Mỹ chẳng hề có bất kỳ quyền hạn nào. Tại thời điểm này, Mỹ cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan đến Covid-19, nạn đói và thất nghiệp khi kinh tế Mỹ sắp rơi vào khủng hoảng chứ không phải can dự vào nơi cách xa Mỹ nửa vòng trái đất như thế này!”.
“Để xây dựng các cơ chế quản lý và kiểm soát khủng hoảng đầy đủ và hiệu quả ở Biển Đông, Mỹ phải hiểu rõ vai trò của chính mình. Mỹ nên biết rằng mình hoàn toàn là người ngoài cuộc. Vấn đề Biển Đông cần được thảo luận bởi các quốc gia có liên quan trong khu vực và Mỹ không nên can dự để cố gắng làm hỏng tình hình.”- trích từ Thời báo Hoàn Cầu.
Thực tế cho thấy, lập luận rằng Trung Quốc đã chính thức công bố đường chín đoạn đánh dấu các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc vào năm 1948, thậm chí “đã thực thi quyền tài phán đối với các đảo, rạn và vùng biển có liên quan ở Biển Đông từ cả ngàn năm trước.
Nhưng sự thật là mọi thứ đều chỉ là lời nói một chiều của Trung Quốc, bản đồ chủ quyền cũng do Trung Quốc tự tạo trong khi không quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
“Bằng cách tuyên bố” chủ quyền không thể chối cãi “đối với một khu vực rộng lớn hơn tại Địa Trung Hải và chà đạp lên quyền lợi của các quốc gia khác, Trung Quốc đang đe dọa lên trật tự hiện tại đã mang lại cho châu Á nhiều thập kỷ thịnh vượng“, David Stilwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao của Cục Đông Á nói.
Dù có Trung Quốc có “đấu võ mồm” thế nào đi nữa thì một sự thật hiển nhiên tồn tại rằng, những tuyên bố chủ quyền về “đường chín đoạn” là vô giá trị và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nhiều nước. Và thế giới không thể và sẽ không bao giờ cho phép Trung Quốc chiếm lấy Biển Đông, biến Trung Quốc trở thành đế chế hàng hải.
Có thể bạn quan tâm
16:39, 14/07/2020
07:39, 14/07/2020
06:00, 14/07/2020
19:21, 15/07/2020
06:00, 15/07/2020