Trung Quốc “làm khó” các doanh nghiệp công nghệ

NGUYỄN LONG 21/08/2021 15:30

Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân (PIPL) đã được cơ quan lập pháp Trung Quốc thông qua vào ngày 20/8. Luật này có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty công nghệ.

Trung Quốc siết chặt hành lang pháp lý thu thập dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ.

Trung Quốc siết chặt hành lang pháp lý thu thập dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo CNBC, Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) lần đầu tiên đưa ra một bộ quy tắc toàn diện xoay quanh việc thu thập, xử lý và bảo vệ dữ liệu. Sau nhiều lần dự thảo, PIPL đã được cơ quan lập pháp Trung Quốc thông qua vào ngày 20/8. Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng của luật vẫn chưa được công bố. PIPL, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11, quy định việc xử lý thông tin cá nhân phải có mục đích rõ ràng và hợp lý.

Một dự thảo luật trước đây có đề cập rằng: Bên thu thập dữ liệu phải được sự đồng ý của người dùng để thu thập dữ liệu và người dùng có thể rút lại sự đồng ý đó bất cứ lúc nào. Các công ty xử lý dữ liệu không thể từ chối cung cấp dịch vụ cho những người dùng không đồng ý thu thập dữ liệu của họ, trừ khi dữ liệu đó cần thiết cho việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Ngoài ra còn có các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc chuyển dữ liệu của công dân Trung Quốc ra nước ngoài. Các công ty vi phạm các quy tắc có thể bị phạt.

Bắc Kinh tăng cường giám sát

PIPL được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đang tăng cường giáp sát các công ty công nghệ. Với PIPL, cùng với Luật An ninh mạng và Luật Bảo mật Dữ liệu của nước này, Trung Quốc đã tăng cường quy định về giám sát dữ liệu của mình.

Kendra Schaefer, công ty tư vấn Trivium China cho biết: “Việc phát hành PIPL hoàn thành bộ ba cơ chế quản lý dữ liệu nền tảng của Trung Quốc và sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về tuân thủ dữ liệu cho các công ty công nghệ”.

Trên toàn cầu đã có một sự thúc đẩy để tạo ra các quy tắc về bảo vệ dữ liệu. Vào năm 2018, Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) mang tính bước ngoặt của Liên minh châu Âu đã có hiệu lực. GDPR nhằm cung cấp cho công dân trong khối nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu của họ.

Hiện nay, Bắc Kinh đang ngày càng lo ngại về số lượng dữ liệu mà các công ty đang thu thập, đặc biệt là trong lĩnh vực internet, và những tác động tiềm tàng của những dư liệu bị thu thập.

Vào tháng 7, các nhà quản lý đã mở một cuộc đánh giá an ninh mạng đối với gã khổng lồ gọi xe Didi , chỉ vài ngày sau khi Didi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ. Didi buộc phải ngừng đăng ký người dùng mới và ứng dụng của họ  cũng bị xóa khỏi các kho ứng dụng Trung Quốc. Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cáo buộc Didi đã thu thập bất hợp pháp dữ liệu của người dùng.

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang chuẩn bị cho những hạn chế hơn nữa. Trong tuần này, Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Quốc hội nói luật mới có thể ngăn các công ty đặt mức giá khác nhau cho cùng một dịch vụ dựa trên lịch sử mua sắm của khách hàng.

Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin WeChat phổ biến, đã cảnh báo rằng các quy định khác có thể sẽ được áp dụng cho ngành công nghệ. Năm nay, các nhà quản lý cũng đưa ra các quy tắc chống độc quyền đối với nền kinh tế nền tảng và các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực internet.

Có thể bạn quan tâm

  • Thấy gì qua vụ dữ liệu 700 triệu tài khoản LinkedIn bị rao bán?

    Thấy gì qua vụ dữ liệu 700 triệu tài khoản LinkedIn bị rao bán?

    11:28, 01/07/2021

  • Facebook và trách nhiệm với dữ liệu người dùng

    Facebook và trách nhiệm với dữ liệu người dùng

    12:32, 05/04/2021

  • Facebook làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của hơn nửa tỉ người dùng

    Facebook làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của hơn nửa tỉ người dùng

    03:00, 05/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc “làm khó” các doanh nghiệp công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO