Kinh tế thế giới

Trung Quốc "mạnh tay" mở cửa hút vốn đầu tư nước ngoài

Cẩm Anh 10/09/2024 03:30

Trung Quốc đã có bước đi táo bạo để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc "mở cửa" nhiều lĩnh vực.

untitled.jpg
Trung Quốc sẽ giảm các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài từ 31 xuống còn 29 lĩnh vực

Trung Quốc dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn lĩnh vực sản xuất cho đầu tư nước ngoài và cũng đang tạo điều kiện cho vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực y tế, góp phần vào nỗ lực phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh sẽ xóa bỏ các biện pháp hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất bắt đầu từ ngày 1/11 tới và thu hẹp danh sách các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài, theo tuyên bố từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).

Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết thúc đẩy mở cửa ngành dịch vụ và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Đồng thời, NDRC sẽ phối hợp với Bộ Thương mại và các bộ ngành, địa phương khác trong việc tiếp tục thực hiện mô hình đối xử quốc gia và danh sách hạn chế nhập khẩu cũng như danh sách hạn chế đầu tư nước ngoài, đảm bảo việc triển khai kịp thời các biện pháp mở cửa mới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ cho phép thành lập các bệnh viện 100% vốn sở hữu nước ngoài tại một số thành phố lớn và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ tế bào gốc và liệu pháp gen tại các khu thương mại tự do thí điểm.

Bộ Thương mại, Ủy ban Y tế Quốc gia và Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia cho biết thêm, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép điều hành các bệnh viện tại các thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu, Phúc Châu, Quảng Châu và Thâm Quyến, cũng như tại tỉnh đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được phép mua lại các bệnh viện công hoặc điều hành các doanh nghiệp liên quan đến y học cổ truyền Trung Quốc. Các yêu cầu và thủ tục chi tiết sẽ được công bố sau.

Ngành công nghệ sinh học cũng sẽ được mở cửa hơn nữa để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu thương mại tự do lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh phía Nam, như Quảng Đông và Hải Nam.

Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép nghiên cứu và áp dụng công nghệ chẩn đoán gen và tế bào gốc ở người, đồng thời cung cấp các dịch vụ điều trị liên quan. Họ cũng có thể nộp đơn đăng ký thị trường và xin giấy phép sản xuất hàng loạt, có hiệu lực trên toàn quốc.

Động thái này diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết tại Hội nghị trung ương lần thứ 3 sẽ mở cửa thị trường sâu rộng hơn nữa. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác quốc tế và xây dựng một hệ thống kinh tế mở cấp cao mới.

"Đầu tư nước ngoài là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và là động lực quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc", ông Hà Lập Phong phát biểu tại Hội chợ Đầu tư và Thương mại Quốc tế Trung Quốc ở thành phố Hạ Môn.

Giới quan sát nhận định, việc mở cửa lĩnh vực y tế là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sự suy giảm đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế trong nước chậm lại và các biện pháp hạn chế của Mỹ.

a-pedestrian-passes-buildings-in-pudong-s-lujiazui-financial-district-in-shanghai-china-photographer-raul-ariano-bloombergd.jpg
Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế trong nước đang gặp khó khăn.

Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 539,5 tỷ nhân dân tệ (76,1 tỷ đô la Mỹ). Tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có gần 1,18 triệu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đạt 28,4 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Theo ông yu Yue, Giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Kinh tế Mở Trung Quốc thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Chuyên gia này chỉ ra, năng lực sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tiếp tục mang đến cho các công ty đa quốc gia những điều kiện thuận lợi. Điều này không chỉ thúc đẩy hiệu quả sản xuất và giảm chi phí mà còn mang đến những cơ hội to lớn cho các công ty toàn cầu muốn thúc đẩy sự hiện diện quốc tế của họ.

"Các cụm sản xuất hoàn chỉnh của Trung Quốc với vị trí chiến lược tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khác nhau vẫn có lợi cho các tập đoàn đa quốc gia muốn tận dụng các cơ hội tăng trưởng", ông Liu chỉ ra.

Ông Hubert de Haan, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Trung Quốc của BSH Home Appliances Group kỳ vọng bước đi của Trung Quốc sẽ thúc đẩy doanh thu bán hàng của Công ty tại thị trường này tăng trưởng hai chữ số trong năm nay và sẽ tiếp tục đưa những sản phẩm mới nhất đến thị trường toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc "mạnh tay" mở cửa hút vốn đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO