Trung Quốc mở cửa - Biến số mới của lạm phát

HUỲNH HOÀNG PHƯƠNG - Trưởng phòng Nghiên cứu & Phân tích Đầu tư FIDT 21/12/2022 05:05

Trong khi lãi suất vẫn đang là chỉ báo động thái của các NHTW trên thế giới ứng phó với lạm phát, thì việc Trung Quốc tái mở cửa sẽ là biến số cần được theo dõi đối với các nền kinh tế.

>>>Kỳ vọng thị trường với cuộc họp của Fed

Lãi suất vẫn sẽ tăng thêm

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thì các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn của EU và Anh cũng có động thái tương tự nâng lãi suất thêm 0,5%. Một loạt các NHTW của các quốc gia cũng đã nâng lãi suất thêm trong tháng 12 này.

Tuy nhiên, trong các quốc gia lớn thì Nhật Bản và Trung Quốc có hướng đi riêng. Nhật đứng ngoài xu hướng thắt chặt khi lãi suất của họ không thay đổi từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, lãi suất của Trung Quốc giảm khi nước này đang sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho nền kinh tế khi tăng trưởng GDP quốc gia bị ảnh hưởng do chiến dịch zero Covid và rủi ro từ thị trường bất động sản (BĐS).

Với việc lãi suất điều hành của các NHTW trên thế giới, đặt biệt là Fed, được dự báo tăng và đạt đỉnh vào giữa 2023, chúng tôi cho rằng NHNN Việt Nam sẽ khó đứng ngoài và có thể nâng lãi suất điều hành thêm 0,5%-1% từ đây đến giữa 2023.

Đã có 352 quyết định nâng lãi suất và chỉ có 15 quyết định giảm lãi suất của các NHTW trên toàn cầu, tính từ đầu năm đến 17/12/2022

Đã có 352 quyết định nâng lãi suất và chỉ có 15 quyết định giảm lãi suất của các NHTW trên toàn cầu, tính từ đầu năm đến 17/12/2022

Với cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu, chúng tôi nhận thấy lạm phát giá hàng hóa tại các nước phát triển vẫn đang ở vùng cao. tuy nhiên đã có dấu hiệu dần hạ nhiệt khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi và giá dầu, nguyên vật liệu giảm dần.

Trong khi đó, lạm phát trong khu vực (Asean-5 và Việt Nam) tăng thấp hơn giai đoạn đầu năm nhưng hiện tại vẫn ở vùng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng.

Trung Quốc mở cửa: Du lịch, hàng không, xuất khẩu nông sản hưởng lợi

Về tình hình lạm phát toàn cầu, chúng tôi cho rằng lạm phát sắp tới phụ thuộc nhiều vào biến số lớn là câu chuyện Trung Quốc mở cửa.

Trung Quốc dẫn đầu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Trung Quốc dẫn đầu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Trước tiên, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp cải thiện chuỗi cung ứng giúp làm giảm áp lực lạm phát do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc nước này mở cửa với nền sản xuất và tiêu dùng to lớn của họ phục hồi có thể gây áp lực "cầu" lớn, gây áp lực lạm phát trở lại.

Song có thể nói câu chuyện Trung Quốc mở cửa vẫn đang được mọi thị trường kỳ vọng. Chúng tôi nhận thấy sự nới lỏng rõ rệt các biện pháp phòng dịch của quốc gia này và sự kỳ vọng mở cửa lại nền kinh tế là có cơ sở khá vững chắc. Nhận thấy rõ nhất ở việc nới lỏng khai báo và đi lại của người dân thể hiện qua tần suất chuyến bay đang phục hồi mạnh mẽ.

Động thái này dù vậy cũng sẽ tác động tích cực/tiêu cực đan xen, nhưng một số ngành nghề sẽ được hưởng lợi lớn. Tại Việt Nam, ngành được hưởng lợi rõ ràng nhất là du lịch và hàng không.

Cụ thể trước dịch, Trung Quốc luôn đóng góp lớn nhất trong lượng khách quốc tế đến Việt Nam, sau đó là Hàn, Nhật, Đài Loan. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa lại và câu chuyện nhu cầu "dồn nén" trong giai đoạn lockdown tạo ra tiềm năng tăng trưởng mạnh cho ngành du lịch và hàng không năm 2023.

>>>P-Notes và niềm tin gián tiếp

Với sự mở rộng, buông zero Covid của Trung Quốc, cộng hưởng cùng Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch chuối sang Trung Quốc, ngành xuất khẩu nông sản và hải sản sẽ có nhiều kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ thường bùng nổ sau các giai đoạn phong tỏa kéo dài. Điều này vốn đã chứng kiến ở các quốc gia tái mở cửa trước đây, trong đó có Việt Nam.

Hàng không hưởng lợi đầu tiên khi Trung Quốc mở cửa. Tuy nhiên, áp lực trở lại lạm phát

Hàng không hưởng lợi đầu tiên khi Trung Quốc mở cửa. Tuy nhiên, áp lực trở lại lạm phát từ nhu cầu tiêu dùng to lớn của quốc gia 1,4 tỷ dân liệu có đè lên lạm phát toàn cầu, hay cứu nguy cho suy thoái kinh tế toàn cầu, đang là một biến số. Ảnh minh họa: ACV

Các ngành hưởng lợi như phân tích trên là khá vững chắc, bởi ngoài nguyên lý hưởng lợi thông thường theo tâm lý tiêu dùng, chính sách tiền tệ mở rộng của Trung Quốc và các gói hỗ trợ về chính sách của Trung Quốc cũng được kỳ vọng tiếp tục sang 2023. Đó có thể xem như động lực ủng hộ thêm cho tiêu dùng bởi "tiền rẻ". Theo phát biểu của quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục trong năm 2023, ít nhất là đến hết tháng 03/2023.

Khảo sát của Bloomberg cho thấy sự đồng thuận về sự tăng trưởng của chứng khoán Châu Á tươi sáng hơn thị trường Mỹ trong năm 2023, với 2 động lực chính: Trung Quốc mở cửa và Sự yếu đi của đồng USD. Chúng tôi cho rằng chứng khoán Việt Nam cũng hưởng lợi khi tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng đầu khu vực và đặc biệt khi thị trường giảm về vùng định giá thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • KINH TẾ 2023: Điều hành chính sách cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng

    KINH TẾ 2023: Điều hành chính sách cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng

    19:06, 17/12/2022

  • TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023

    TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023

    12:25, 18/12/2022

  • Rủi ro lạm phát liệu đã qua?

    Rủi ro lạm phát liệu đã qua?

    05:00, 01/12/2022

  • Vàng vẫn tăng giá bất chấp dữ liệu mới về lạm phát

    Vàng vẫn tăng giá bất chấp dữ liệu mới về lạm phát

    16:00, 10/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc mở cửa - Biến số mới của lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO