Thị trường lao động Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong tháng 5 và thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chấm dứt chuỗi mua vàng liên tiếp 18 tháng, đẩy giá vàng "lao dốc".
>>>NHNN: Đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng
Trên thị trường thế giới thời điểm kết thúc phiên giao dịch cuối tuần Mỹ vào lúc rạng sáng nay, ngày 8/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức giá 2.293,85 USD/ounce, giảm mạnh hơn 83 USD so với giá mở cửa phiên giao dịch này. Giá vàng thế giới quy đồi tương đương hơn 70,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm sốc sau khi báo cáo mới nhất về việc làm của Bộ Lao động Mỹ được công bố cho thấy, đã có 272.000 việc làm được tạo ra trong tháng 5. Trong khi, giới chuyên gia kỳ vọng con số 185.000 việc làm. Các nhà phân tích lưu ý rằng, sự tăng trưởng vững chắc của thị trường lao động có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Sau báo cáo, các nhà giao dịch đã giảm mức giảm lãi suất dự báo từ mức 48 điểm cơ bản xuống 37 điểm trong năm nay. Có nhiều khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay sẽ diễn ra vào tháng 11 thay vì tháng 9. Dữ liệu việc làm mới nhất này đã làm tăng áp lực bán ra trong ngày đối với vàng.
Bên cạnh đó, thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã không mua bất kỳ lượng vàng nào trong tháng 5 vừa qua, qua đó, chấm dứt chuỗi mua vào liên tiếp 18 tháng, cũng là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới giảm mạnh.
Trước đó, việc liên tục gom vàng của PBoC là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy kim loại quý này lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. PBoC đã liên tục tăng dự trữ vàng kể từ tháng 11/2022, dẫn tới làn sóng mua vàng của nhiều NHTW khác trên thế giới.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các nước đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời.
Việc giá vàng thế giới lao dốc mạnh vào cuối phiên giao dịch cuối tuần đã gây bất ngờ với giới đầu tư, bởi trước đó kim loại quý này đã có hai phiên phục hồi khá tích cực khi triển vọng cắt giảm lãi suất của các NHTW lớn rõ nét hơn. Đặc biệt, ngày 6/6, kim loại quý tăng khá mạnh khi NHTW châu Âu (ECB) đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019. ECB nhấn mạnh việc giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo rằng lạm phát được duy trì gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Dự báo về xu hướng giá vàng, trong báo cáo mới nhất, Công ty Metals Focus cho rằng, việc vàng chạm mốc kỷ lục trong năm nay chỉ là vấn đề thời gian. Theo các chuyên gia phân tích của công ty này, kinh tế suy yếu và thị trường lao động "hạ nhiệt" sẽ buộc Fed phải cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, nhu cầu vật chất từ các NHTW, triển vọng tài chính toàn cầu tồi tệ, bất ổn địa chính trị và nền kinh tế suy yếu đã và đang giúp vàng vượt qua sức mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu cao hơn.
Giám đốc Neil Meader của Metals Focus dự báo, vàng có khả năng đạt mức cao mới mọi thời đại vào cuối năm nay và sẽ đạt trung bình khoảng 2.250 USD/ounce trong năm nay, tăng 16% so với mức giá trung bình kỷ lục năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, sau chuỗi ngày giảm sâu khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện giải pháp bình ổn thị trường thông qua việc bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty SJC nhằm kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Đến phiên giao dịch ngày 7/8, với giá bán vàng miếng cho 4 NHTMNN và Công ty SJC ở mức giá 75.980.000 đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC trong nước giữ ổn định quanh mức giá 76.980.000 đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, ngày 8/6, giá vàng miếng SJC trong nước cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng giữ ổn định ở mức giá 76.980.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Theo đó, Công ty SJC, DOJI Hà Nội và DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng với mức giá 74.980.000 đồng/lượng mua vào và 76.980.000 đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý SJC niêm yết vàng miếng với mức giá 75.500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 76.980.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, cũng không thay đổi so với giá chốt phiên giao dịch ngày 7/6.
Khác với trạng thái bất động của giá vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tại thị trường TP.HCM mở phiên giao dịch sáng nay được doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh 900.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Hiện giá niêm yết của PNJ là 72.600.000 đồng/lượng mua vào và 74.300.000 đồng/lượng bán ra.
Như vậy, sau 5 phiên can thiệp thị trường thông qua giải pháp bán vàng trực tiếp cho 4 NHTMNN và Công ty SJC, hiện giá vàng miếng SJC trong nước còn cao hơn so với giá vàng thế giới hơn 6,5 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng so với phiên giao dịch ngày 6/6, khi giá vàng thế giới còn ở mức 2.370 USD/ounce.
Trước đó, vào chiều ngày hôm qua (7/6) NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đề nghị phối hợp triển khai các nội dung về quản lý ngoại hối và vàng. Theo đó, các Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp với NHNN và các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường vàng.
Đồng thời khẩn trương thực hiện các biện pháp để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ về ngoại hối và vàng. Đặc biệt các hoạt động thu đổi ngoại tệ, nhận và chi trả ngoại tệ, chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định, các hoạt động mua, bán vàng miếng của các cửa hàng không có giây phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
NHNN yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả.
Các đơn vị phối hợp cung cấp thông tin về các vụ việc, các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ và vàng qua biên giới để NHNN kịp triên khai phương án quản lý thị trường ngoại hối và vàng hiệu quả.
Sau 5 ngày 4 NHTMNN và Công ty SJC thực hiện bán vàng miếng trực tiếp cho người dân theo phương án mới của NHNN, hiện đã xuất hiện tình trạng thuê người xếp hàng mua vàng tại nhiều điểm bán vàng với mục đích đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng
10:21, 07/06/2024
Giá vàng giảm: Liệu có nên mua?
15:53, 06/06/2024
Giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng
11:18, 06/06/2024
Sóng vàng đã lặng!
04:30, 06/06/2024
NHTMNN bán vàng: Khách hàng có thể đặt cọc trước, nhận vàng miếng sau
02:02, 05/06/2024