Trung Quốc nới lỏng chính sách trước lo ngại dòng vốn nước ngoài “tháo chạy”

DIỄM NGỌC 31/05/2022 04:00

Trung Quốc đặt mục tiêu ổn định ngoại thương, mở cửa hơn nữa với thị trường quốc tế trước lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm niềm tin và “tháo chạy” dòng vốn khỏi đất nước.

>>Kinh tế Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến lược zero- Covid

Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nước này sẽ bỏ lệnh cấm các tuyến hàng không quốc tế, các cảng và tăng chuyến bay nội địa một cách có trật tự. Phát biểu được đưa ra tại một cuộc hội đàm mới đây, khi những lời chỉ trích ngày càng gia tăng về sự suy thoái kinh tế và các biện pháp kiểm soát COVID-19 quá nghiêm ngặt.

70% sản xuất của Trung Quốc dựa vào các hoạt động xuất nhập khẩu và ngoại thương, tạo ra việc làm trực tiếp cũng như gián tiếp cho hàng trăm triệu người

70% sản xuất của Trung Quốc dựa vào các hoạt động xuất nhập khẩu và ngoại thương, tạo ra việc làm trực tiếp cũng như gián tiếp cho hàng trăm triệu người

Đặc biệt, sau các cuộc khảo sát tại một số nhóm doanh nghiệp nước ngoài, đã vẽ ra bức tranh ảm đạm về sự suy giảm niềm tin và rút các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc, trong bối cảnh nước này vẫn áp dụng chính sách zero Covid. Cụ thể, cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức vào đầu tháng 5 cho thấy, 28% nhân viên nước ngoài từ 460 công ty dự định rời Trung Quốc do các biện pháp liên quan đến COVID-19. 23% các công ty được Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc thăm dò ý kiến cho biết họ đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc kế hoạch kinh doanh ra khỏi đất nước này do các biện pháp kiểm soát của chính sách Zero Covid. Còn cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ chỉ ra, hơn một nửa số người được hỏi đã trì hoãn hoặc giảm đầu tư vào Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc cũng bày tỏ nhiều lo ngại, trong đó, ổn định ngoại thương và mở cửa hơn nữa với thị trường quốc tế là những nội dung được đề cập. “Tăng trưởng 8,1% của nền kinh tế Trung Quốc năm ngoái chủ yếu nhờ vào ngoại thương. Nhưng năm nay, khó khăn của chúng tôi ngày càng trầm trọng. Phải thừa nhận rằng, 70% sản xuất của Trung Quốc dựa vào các hoạt động xuất nhập khẩu và ngoại thương, tạo ra việc làm trực tiếp cũng như gián tiếp cho hàng trăm triệu người”, Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ.

Có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang đình trệ với tốc độ nguy hiểm khi các đợt phong toả được áp dụng theo chính sách zero-Covid của nước này. Các doanh nghiệp nước ngoài tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn hậu cần ngày càng trở nên tồi tệ, do tình trạng đóng cửa trong nước và hạn chế đi lại quốc tế.

>>Đồng Nhân dân tệ suy yếu trong bối cảnh kinh tế gián đoạn

Đáng chú ý, các yếu tố như tăng trưởng chậm lại, biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt và việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, đã dẫn đến sự gia tăng dòng tiền thoái lui trong những tháng gần đây, gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ. Dữ liệu dòng chảy hàng tháng mới nhất cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 17,5 tỷ USD từ cổ phiếu và trái phiếu trong nước trong tháng 3.

hà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 17,5 tỷ USD từ cổ phiếu và trái phiếu trong nước trong tháng 3

Nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 17,5 tỷ USD từ cổ phiếu và trái phiếu trong nước trong tháng 3

Chính vì vậy, trong cuộc họp vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc đã nêu giải pháp bỏ chặn các tuyến hàng không quốc tế và tăng các chuyến bay trong nước, đồng thời xây dựng các thỏa thuận để tạo điều kiện cho việc đi lại, cũng như trao đổi nhân sự từ các công ty nước ngoài.

Chen Gong, Nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu Ambound cho biết: “Câu hỏi đặt ra cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế là gì và điều gì tạo ra thị trường? Theo quan điểm của ông đó đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc đã liên tục chứng kiến số lượng gia tăng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc trong những tháng gần đây, nhất là sau khi Thượng Hải đóng cửa.

Tommy Wu, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics đánh giá, có vẻ như dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc khá đáng kể. “Các nhà đầu tư nước ngoài đang giảm nắm giữ tài sản của Trung Quốc và một số công ty nước ngoài có thể đã chuyển dây chuyền sản xuất của họ sang các nước Đông Nam Á.

Mức độ gián đoạn đối với sản xuất và bán hàng do các hạn chế của Covid gây ra là không thể thấy trước khi Thượng Hải bị phong toả kéo dài. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lo lắng về nguy cơ đóng cửa và những gián đoạn tương tự trong tương lai, đặc biệt là khi chính sách zero Covid của Trung Quốc chưa có hồi kết. Do đó, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc có thể sẽ giảm và đó là lý do tại sao chính phủ muốn gửi một thông điệp rõ ràng để ổn định niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài”.

Một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa - một tổ chức phi chính phủ cho biết: “Chúng ta phải mở rộng dòng nhân sự tài năng và không nên phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, nhất là việc tạo điều kiện trong giao tiếp, trao đổi thông tin với họ”.

Mặc dù vậy, đến ngày 25/5, cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc cho biết, việc rút lui các khoản đầu tư nước ngoài khỏi nước này, trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ suy yếu hiện đang được kiểm soát và Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng cả hai kênh đầu tư ra nước ngoài và trong nước.

Wang Lei, Vụ quản lý tài khoản vốn, Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc phát biểu tại hội nghị thị trường vốn Trung Quốc rằng: “Chúng tôi thấy dòng tiền vào và ra là khá tự nhiên trong đầu tư chứng khoán. Mọi thứ đã được kiểm soát, việc điều chỉnh sự cục bộ này không làm thay đổi cân bằng tổng thể của dòng vốn xuyên biên giới ở Trung Quốc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay, tìm cách hồi sinh lĩnh vực nhà ở

    13:01, 20/05/2022

  • Kinh tế Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến lược zero- Covid

    04:27, 17/05/2022

  • Lạm phát Trung Quốc vượt quá kỳ vọng

    00:40, 12/05/2022

  • Trung Quốc cảnh giác với biện pháp trừng phạt kiểu phương Tây

    05:15, 05/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc nới lỏng chính sách trước lo ngại dòng vốn nước ngoài “tháo chạy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO