Việc Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua Nghị quyết mới về Đài Loan đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Cụ thể, theo các nguồn tin từ châu Âu, Nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua với 580 phiếu ủng hộ và 26 phiếu chống, đề nghị Ủy ban châu Âu khẩn cấp bắt đầu đánh giá tác động, lấy ý kiến của công chúng và tiến hành nghiên cứu về một thỏa thuận thương mại với Đài Loan nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác song phương.
Các nghị sĩ EU còn đề nghị Văn phòng Thương mại và kinh tế châu Âu ở Đài Bắc được đổi tên thành Văn phòng Liên minh châu Âu ở Đài Loan. Trước đó, vào năm 2015, EU đã bổ sung Đài Loan vào danh sách các đối tác thương mại có thể ký thỏa thuận đầu tư, nhưng kể từ đó chưa tổ chức cuộc đàm phán nào về vấn đề này, dù Đài Loan rất muốn ký kết thỏa thuận này.
Điều này diễn ra trong bối cảnh EU đang đàm phán thỏa thuận đầu tư tương tự với đối tác thương mại lớn của khối là Trung Quốc hồi năm ngoái, nhưng đã bị gác lại trong nhiều tháng do căng thẳng gia tăng. Nghị viện châu Âu chưa chịu phê chuẩn thỏa thuận đầu tư đó sau khi Bắc Kinh áp đặt các lệnh cấm vận đối với giới nghị sĩ EU trong một cuộc tranh cãi về các cáo buộc liên quan nhân quyền.
Phản ứng với Nghị quyết trên, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại EU bày tỏ sự không hài lòng sau phiên bỏ phiếu của Nghị viện Châu Âu vào ngày 21/10 vừa qua. Họ đề nghị EU "đừng đánh giá sai quyết tâm và ý chí của Trung Quốc trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Đồng thời, phía Trung Quốc yêu cầu EU tôn trọng cam kết với nguyên tắc "Một Trung Quốc", theo đó không công nhận quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đại sứ quán Trung Quốc tại EU cảnh báo Nghị viện châu Âu phải sửa sai, từ bỏ vấn đề gây rối loạn tình hình, tạo điều kiện để quan hệ Trung Quốc - EU phát triển tốt đẹp và ổn định.
Các chuyên gia nhận định, báo cáo quan hệ EU - Đài Loan là minh chứng mới nhất cho thấy sự suy giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu.
Mặc dù EU vẫn duy trì lập trường "Một Trung Quốc" nhưng EU đã có những động thái tăng cường quan hệ với Đài Loan. Charlie Weimers, thành viên soạn thảo báo cáo nói trên của EU, nhấn mạnh Ủy ban châu Âu phải tăng cường quan hệ EU - Đài Loan hướng đến quan hệ đối tác toàn diện nâng cao.
Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, một trong những nguyên do thúc đẩy EU thông qua Nghị quyết nói trên xuất phát từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng chip toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, đóng tàu… tại nhiều nước châu Âu. Chính vì vậy, khối này đã dành sự quan tâm tới Đài Loan, nơi sở hữu những doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn hàng đầu như TSMC.
"Việc EU thiết lập mối quan hệ đối tác với Đài Loan để đạt được các mục tiêu của Đạo luật chip châu Âu", ông Borrell lưu ý và cho biết thêm, EU muốn thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, năng lượng sạch… để hướng tới mục tiêu tự chủ nguồn cung chất bán dẫn. Đây đều là những lĩnh vực cốt lõi không thể thiếu đối với sự phát triển công nghiệp và chuyển đổi kỹ thuật số của EU.
Bên cạnh đó, Steven Blockmans, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, trụ sở ở Brussels, đánh giá, việc tạo lập mối quan hệ đối tác với Đài Loan cũng được EU xem là lối thoát khỏi sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng.
EU đã bắt đầu tìm kiếm mối quan hệ bình đẳng hơn và có đi có lại trong vấn đề thương mại, đầu tư với Trung Quốc, mặc dù trong thời gian trước, điều này khó có thể được thực hiện do thái độ cứng rắn từ Bắc Kinh. “Tuy nhiên, kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống, Mỹ và EU đã trở nên thân thiết hơn và họ đang hợp tác chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó lại với EU”, chuyên gia này nhận định.
Hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy EU và Trung Quốc có những động thái cải thiện lại mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu EU vẫn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại với Đài Loan, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện rõ quan điểm và lập trường trong vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm