Trong bối cảnh dịch bệnh, “ngày hội trăng rằm” lại đến khiến các nghệ nhân lân chế tác lặng người, khắp phố phường Hội An im tiếng trống trong những ngày đặc biệt của tuổi thơ.
Giá trị chính của Tết Trung thu là dịp để mọi người vui chơi, giải trí, hướng đến cuộc sống an lành, tương lai tốt đẹp hơn.
Phố lặng không tiếng trống
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch không tổ chức lễ Trung thu để thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Do vậy, số lượng các sản phẩm phục vụ thị trường này cũng giảm sút theo COVID-19.
Trái ngược với mọi năm, khắp các con phố trên địa bàn TP Hội An đều vắng lặng không nghe thấy tiếng trống. Là địa phương đang áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn, việc tránh tập trung đông người sẽ giúp thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh. Đây cũng là năm đầu tiên thành phố này không tổ chức lễ Trung thu khiến nhiều người tiếc nuối.
Anh Nguyễn Hữu Sơn – phường Cẩm Phô (Hội An) chia sẻ lần đầu tiên người dân thành phố đón Trung trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay. Đối với anh Sơn, tuổi thơ của người Hội An là những ngày đầy tiếng trống, những đội lân nối đuôi nhau rồng rắn trên những nẻo đường. Hơn bao giờ hết, Tết Trung thu mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người dân trong những ngày đoàn viên.
“Thiếu tiếng trống khiến cho ngày hội không còn được rộn ràng như trước. Trẻ con thiếu nơi để vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại việc chống dịch phải đặt lên hàng đầu để mọi hoạt động được bình thường trở lại. Có lẽ, mùa trăng sau sẽ trở lại và rộng ràng hơn. Bởi, Trung thu là một ngày lễ và các sản phẩm của ngày rằm là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người, đặc biệt là trẻ em”, anh Nguyễn Hữu Sơn nói.
Nghệ nhân lặng người
Để thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tất cả các đội lân tại Hội An đã động thuận không nhận “show”, tạm dời mọi hoạt động qua mùa trăng năm sau. Tuy nhiên, đây vẫn là chuyện buồn đối với các nghệ nhân chế tác lân bởi sản phẩm không có đầu ra gây tồn đọng hàng hóa..
Ông Nguyễn Hưng – nghệ nhân chế tác lân ở Hội An cho hay để làm ra một sản phẩm đầu lân phải trải qua nhiều công đoạn từ làm sườn, dán giấy, sơn,... Mỗi năm cơ sở của ông Hưng cho ra thị trường hàng trăm sản phẩm đầu lân đủ kích cỡ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát nên ông Hưng không nhận được nhiều đơn hàng, các sản phẩm sau khi hoàn thành cũng thiếu đầu ra.
“Hiện nay, các hoạt động tụ tập đông người, lễ hội trong cả nước gần như tạm dừng nên cơ sở không có nhiều đơn hàng. Chủ yếu đơn hàng là lân trang trí hoặc của đội lân ở các tỉnh không bị ảnh hưởng dịch bệnh. Cả trăm khung sườn lân được chuẩn bị từ sớm nhưng gần như còn nguyên. Ngoài ra, khi hoàn thành sản phẩm việc vận chuyển trong bối cảnh hiện tại cũng rất khó”, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.
Cùng là một người chế tác đầu lân, anh Phạm Khải Huấn – phường Tân An (TP Hội An) cho biết năm nay các sản phẩm đều phải giảm số lượng vì thị trường tiêu thụ không có. So với mọi năm, số lượng đơn đặt hàng năm nay đã giảm đến 90%, các đơn hàng còn lại chủ yếu đến từ các cửa hàng mua về để trang trí là chính.
“Mỗi sản phẩm đầu lân khi hoàn thiện sẽ có giá từ 2-5 triệu đồng, Hội An là thành phố ưa chuộng múa lần nên những năm trước thị trường này rất sôi động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đội lân trên địa bàn đều tạm dừng hoạt động do đó việc tìm đầu ra hiện nay là rất khó. Có nhiều sản phẩm khi đã hoàn thiện nhưng đành phải để lại cho năm sau”, anh Huấn nói thêm.
Có thể bạn quan tâm