Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành khuyến nghị sử dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo thay vì chính sách quota, giảm tác động đột ngột tới doanh nghiệp và tạo ra vùng đệm cho giá gạo trong nước.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị trực tuyến về Kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2020, TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, cơ quan chức năng (bao gồm Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cho doanh nghiệp mở tờ khai làm thủ tục hải quan hạn ngạch (quota) xuất khẩu 400.000 tấn gạo vào lúc 0 giờ ngày 12/4 gây cho nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, doanh nghiệp xuất gạo đột ngột bị đóng cửa thị trường đã khiến họ khó khăn, nay được mở tờ khai xuất khẩu 400.000 quota tấn gạo tháng 4 cũng mở đột xuất, vào nửa đêm khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.
“Chỉ những doanh nghiệp biết được thông tin đó mới có thể đăng ký quota được. Tôi thấy đây là vấn đề bất nhất, tự đẩy chúng ta vào khó khăn, đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp trong bối cảnh họ chịu tác động của dịch COVID-19", TS Thành nói.
Theo kiến nghị của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Chính phủ cần có giải pháp thay thế hạn ngạch bởi nặng tính xin - cho và đẩy khó về cho các bên mà không hiệu quả.
"Trong bối cảnh này, tôi khuyến nghị nên sử dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo thay vì chính sách quota. Nếu sử dụng thuế có sự can thiệp nhưng không quá đột ngột với thị trường, ít nhất điều này tạo ra vùng đệm làm cho giá gạo trong nước luôn thấp hơn thế giới, giảm được lo lắng giá gạo trong nước tăng lên quá cao", TS Thành khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
15:34, 13/04/2020
05:00, 13/04/2020
15:45, 12/04/2020
06:40, 12/04/2020
04:36, 12/04/2020
11:00, 11/04/2020
Theo Nguyên Viện trưởng VEPR, thị trường xuất khẩu thế giới đang bị gián đoạn do dịch bệnh, chỉ riêng có gạo thì nhu cầu thế giới tăng lên, đó là đường ra tốt cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, của Việt Nam nói riêng.
"Chúng đang lo ngại đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Việc sợ giá gạo trong nước tăng là đúng, đúng về nguyên tắc vì nhu cầu cao thì các nước nhập nhiều, gạo trong nước thiếu sẽ khiến giá tăng. Tuy nhiên, các con số chứng minh chúng ta còn dư để xuất khẩu gạo. Lượng có nguồn cung lớn hơn trong nước, nếu người dân tích trữ thêm thì lượng gạo cũng khó có khả năng thiếu hụt", Tiến sĩ Thành phân tích.
Nhắc lại câu chuyện xuất khẩu gạo của năm 2008, TS Nguyễn Đức Thành cho biết, thời điểm đó, giá gạo thế giới tăng nhưng chúng ta lo thiếu gạo và vội vàng đóng cửa, để mất cơ hội xuất khẩu.
“Như các chuyên gia tổng hợp, nguồn cung chúng ta rất lớn, vượt xa so với nhu cầu trong nước, do đó không lo thiếu gạo” , TS Thành nói. Đồng thời cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản khó khăn như hiện nay, việc nhu cầu và giá gạo tăng cao là điểm sáng cho ngành nông nghiệp.
Cũng theo Nguyên Viện trưởng VEPR, sử dụng chính sách đánh thuế nhập khẩu còn giúp giải quyết vấn đề giá gạo trong nước quá cao và cũng không tăng như thế giới. Trong khi đó Chính phủ vẫn thu được phần thuế dùng cho mục đích chống dịch. Doanh nghiệp cũng không thu được nhiều tiền lắm so vơi tiêu thụ nội địa nên họ không còn động lực để xuất khẩu.
Mặt khác, ông Thành cũng chỉ ra điểm lợi cho doanh nghiêp là có quyền lựa chọn không phải chầu trực vấn đề cấp quota hay bao giờ đóng hoặc mở chính sách. Họ sẽ xác định tiêu thụ ở thị trường có nhiều lợi nhuận hơn.
Trước đó, như Diễn đàn doanh nghiệp đã đưa tin, 400.000 tấn gạo hạn ngạch được xuất khẩu trong tháng 4 đã hết ngay sau vài giờ đồng hồ cơ quan Hải quan mở tờ khai.
Tính toán của Bộ Công Thương lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với cùng kì năm ngoái và giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018. Trong khi đó, tổng lượng hợp đồng đã ký phải giao từ nay đến 31/5 của các doanh nghiệp là 1,67 triệu tấn gạo.