Bộ Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội ngày 20/11/2019 về Luật Doanh nghiệp bổ sung sửa đổi.
Như một sự hợp duyên, sáng nay (20/11/2019), Quốc hội vừa thông qua bộ Luật Lao động sửa đổi với thông điệp phát triển bao trùm: Đưa cả 55 triệu người trong độ tuổi lao động vào phạm vi điều chỉnh của Luật, thay vì chỉ quan tâm tới 15 triệu người lao động đang hoạt động trong khu vực chính thức.
Chiều nay, cũng với tinh thần đó, Quốc hội thảo luận Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo hướng: đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp chứ không chỉ quan tâm tới 700 ngàn doanh nghiệp theo quan niệm hiện hành.
Như vậy, bộ Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cũng có những ý kiến băn khoăn: Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp liệu có khiên cưỡng? Liệu hộ kinh doanh có bị thui chột không khi được chính danh trong Luật Doanh nghiệp? Và tại sao lại không trình ra Quốc hội ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh?
Có thể bạn quan tâm
05:05, 20/11/2019
00:14, 20/11/2019
03:37, 17/11/2019
02:27, 16/11/2019
00:40, 16/11/2019
18:12, 15/11/2019
04:50, 15/11/2019
Tôi xin được tham gia thảo luận về những vấn đề này:
Nhìn chung, trên thế giới, khi làm kinh doanh thì có hai hình thức phổ biến là cá nhân tự kinh doanh và lập công ty. Ở nhiều nước có Luật riêng về các chủ thể này.
Trước đây, thì ở Việt Nam ta cũng như vậy, chúng ta có 2 Luật: Luật Công ty (1990) điều chỉnh các chủ thể có tư cách pháp nhân và Luật về cá nhân kinh doanh không có tư cách pháp nhân với tên gọi Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991).
Nhưng từ năm 1999 đến nay thì hai Luật này được tích hợp thành một gọi là Luật Doanh nghiệp. Đây là một quyết định đúng đắn của Quốc hội.
Và vì vậy, suốt 30 năm qua, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp được quan niệm bao gồm cả 2 loại hình: Loại hình công ty (có tư cách pháp nhân) như công ty TNHH, công ty Cổ phần .v.v. và cá nhân kinh doanh (không có tư cách pháp nhân), được đặt tên riêng là Doanh nghiệp tư nhân.
Còn hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: Cá nhân kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty (nhưng với cơ cấu sơ khai nhất).
Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, thì các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý: Trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật Doanh nghiệp còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định này thì hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân, chỉ có thể được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành.
Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác. Cũng cần lưu ý rằng, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mà hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh là hình thức phổ biến nhất đang được cả thế giới quan tâm.
Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vừa bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ ở Việt Nam, vừa là bước tiến mới đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ở nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, chấp nhận sự linh hoạt và đa dạng của các mô hình kinh doanh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập.
Với việc đưa Hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng sẽ không làm thay đổi kết cấu và quan niệm về doanh nghiệp tại Luật này. Vì như đã nói ở trên, doanh nghiệp vẫn bao gồm 2 chủ thể: chủ thể có tư cách pháp nhân là các công ty và chủ thể không có tư cách pháp nhân là cá nhân kinh doanh và nay bổ sung thêm hộ kinh doanh.
Được chính danh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, hộ kinh doanh sẽ có thêm nhiều thuận lợi:
Vị trí pháp lý của hộ kinh doanh được quy định rõ ràng, hộ kinh doanh được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định pháp luật.
Hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động. Hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách khác có liên quan.
Đăng ký hoạt động của hộ kinh doanh không thay đổi vì vẫn giữ nguyên hệ thống đăng ký ở cấp huyện như hiện nay hơn nữa còn tạo điều kiện để thống nhất hệ thống đăng ký doanh nghiệp bảo đảm yêu cầu kết nối và minh bạch.
Chế độ ghi chép sổ sách kế toán và nghĩa vụ thuế với hộ kinh doanh cũng không thay đổi.
Thanh tra kiểm tra và thủ tục hành chính cũng không nặng thêm, vì vẫn thực hiện bình thường theo các quy định tại pháp luật chuyên ngành.
Về phía quản lý Nhà nước, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng không phát sinh thêm chi phí và bộ máy quản lý: vì vẫn duy trì phân cấp đăng ký và quản lý hộ kinh doanh như hiện nay.
Thu Ngân sách nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn thì sẽ giảm thiểu sự thoả thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham những vặt.
Quản trị của hộ kinh doanh sẽ được tăng cường vì luật hoá sẽ tạo động lực để các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.
Lần này, đưa những chế định quan trọng nhất về hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp cũng là để thực hiện chủ trương của Quốc hội là thể chế hóa tối đa trong văn bản luật những quy định ổn định và hợp lý đã được thể nghiệm qua thực tiễn thực thi các Nghị định của Chính phủ. Đây cũng là và là căn cứ pháp luật để tiếp tục hoàn thiện các quy định khác có liên quan về hộ kinh doanh sau này.
Về ý kiến: Tại sao lại không ban hành luật riêng về hộ kinh doanh? thì như trên đã phân tích, hộ kinh doanh chính là một loại hình doanh nghiệp thì không nhất thiết phải xây dựng Luật riêng về hộ kinh doanh mà chỉ cần bổ sung thêm một chương quy định những vấn đề cơ bản về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp là phù hợp. Sau đó các hướng dẫn chi tiết sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong Luật, “không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau”, để bảo vệ hộ kinh doanh, minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh.
Ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh. Tuyệt đối không có chuyện “Qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay”.
Nhưng khi vị thế pháp lý quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh ghi nhận trong Luật sẽ giúp họ sẽ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn và có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại để mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.