Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa ký ban hành Nghị quyết 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, theo đó lương cơ sở tăng lên 1.490.000 đồng/tháng từ 1/7/2019.
Tại Nghị quyết 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2019.
Trước đó, theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2018 mức lương cơ sở được tăng từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng một tháng, tăng 90.000 đồng.
Như vậy, trong hai năm liên tiếp, mức lương cơ sở dành cho các với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được điều chỉnh tăng 2 lần. Tổng mức tiền được tăng là 190.000 đồng/hệ số.
Có thể bạn quan tâm
01:11, 28/11/2018
06:38, 15/11/2018
20:23, 14/09/2018
19:01, 20/08/2018
Theo đó, Quốc hội giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Quốc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, ưu tiên dành nguồn cải cách tiền lương.
Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.
Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp. Dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.
Việc quyết định chi cho từng nội dung do các địa phương quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trước đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng họp và thống nhất tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2019 tăng thêm bình quân 5,3% so với mức lương áp dụng năm 2018.
Theo đó, mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng I: 4,18 triệu đồng (tăng 200.000 đồng so với năm 2018); Vùng II: 3,71 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); Vùng III: 3,25 triệu đồng (tăng 160.000 đồng); Vùng IV: 2,92 triệu đồng (tăng 160.000 đồng).
Lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động thuộc khu vực doanh nghiệp.