Từ AOC, Ifan, Skymining… tới khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền ảo

Huyền Trang 06/08/2018 15:06

Những vụ việc như, AOV, Ifan, Sky Mining gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý làm sao theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ toàn mầu hồng.

Liên tục những vụ lừa đảo tiền ảo được phát giác gần đây, từ tiền ảo AOC tại những huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang, IFan trên nền tảng huy động vốn bằng hình thức trả lãi (lending platform) hay hợp tác xã đào tiền ảo Sky Mining... Những vụ việc gắn với loại hình đầu tư mới này đều kết thúc bằng gương mặt thất thần của nhà đầu tư cùng hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng không biết đã đi đâu.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần cấm nhập khẩu máy đào tiền ảo

    07:05, 03/08/2018

  • Phương thức mới để tin tặc cướp “tiền ảo”

    06:15, 03/08/2018

  • Quản lý "tiền ảo" tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?

    19:10, 01/08/2018

  • Tiền ảo, lợi ảo và hứa ảo nhìn từ câu chuyện của Sky Mining

    06:15, 30/07/2018

  • Tiền ảo biến mất cùng giám đốc thật của Sky Mining

    06:16, 28/07/2018

Từ AOC, Ifan, Sky Mining

Hồi tháng 10/2017 dư luận được một phen rúng động khi đồng tiền ảo có tên Alos Coin (viết tắt là AOC) đã tràn về các vùng quê nghèo, đồng tiền ảo này được những người đứng đầu hệ thống hứa hẹn sẽ là một cách thoát nghèo nhanh chóng, đem lại giàu sang phú quý với lãi suất siêu khủng. Nhiều người thậm chí bỏ cả kinh doanh, cắm nhà, cắm sổ đỏ đổ tiền vào AOC.

Với mức lợi nhuận mời chào khi đầu tư vào tiền ảo AOC lên tới 180% mỗi năm, gấp 20 lần gửi ngân hàng, không ít người đã bị “mờ mắt” bởi con số sinh lời không tưởng. Dù không biết đồng tiền này hình thù ra sao, sử dụng làm gì, nhiều người dân vẫn bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng vào AOC. Tuy nhiên, khi những người đứng đầu hệ thống này biến mất, chân tướng sự việc mới lộ rõ.

Những vụ việc như, AOV, Ifan, Sky Mining gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý làm sao theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ toàn mầu hồng.

Những vụ việc như, AOV, Ifan, Sky Mining gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý làm sao theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ toàn mầu hồng.

Sau khi bị điều tra, đường dây lừa đảo tiền ảo này đã lộ diện với chân rết tại 10 tỉnh thành, hơn 1.400 người tham gia cùng số tiền hàng chục tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, vào hồi tháng tư, liên danh ma quỷ giữa Modern Tech, Ifan và Pincoin là dự án huy động vốn được 7 người Việt lập ra nhưng lại mượn danh nước ngoài. Theo đó, Ifan được tuyên bố là dự án đến từ Singapore, trong khi Pincoin đến từ Ấn Độ.

Ifan, Pincoin ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đơn vị này trong thời gian qua đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo Ifan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng.

Ngoài ra, nếu “lôi kéo” thêm nhà đầu tư vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, thống kê cho thấy Ifan đã dụ dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn.

Hay gần đây nhất, với vụ việc của Sky Mining, dư luận một lần nữa lại được một phen xôn xao. Theo đó, Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc công ty đào tiền ảo Sky Mining kêu gọi các nhà đầu tư đã được hoàn vốn 100% nên ngừng việc nhận lãi, còn đối với những nhà đầu tư chưa được hoàn vốn thì tới công ty từ 26/7 tới 05/8 để nhận lại máy đào. Sau khi hoàn trả lại toàn bộ cho nhà đầu tư, ông Tâm sẽ tuyên bố phá sản công ty Sky Mining.

Tuy nhiên, đến ngày 23/7, nhiều nhà đầu tư đã không thể liên lạc được với ông Lê Minh Tâm, trụ sợ công ty tại số 202B Hoàng Văn Thụ, Phường 9, quận Phú Nhuận (Tp.HCM) cũng bị đóng cửa, hạ biển hiệu công ty.

Khoảng 2 ngày sau Phó tổng giám đốc công ty Sky Mining đã gửi email tới các nhà đầu tư với nội dung rằng các thành viên của công ty Sky Mining cũng không thể liên lạc được với Tổng giám đốc Tâm.

Đến nay, tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng vụ việc Sky Mining cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan quản lý làm sao theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ toàn mầu hồng.

Trước Ifan, Pincoin,… giới đầu tư từng chứng kiến sự sụp đổ của Bitconnect – được biết tới như vụ lừa đảo lớn nhất trong thị trường tiền ảo khiến hàng trăm ngàn chủ tài khoản “mất trắng”, trong đó có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Bitconnect bị Ủy ban chứng khoán Mỹ điều tra và phát hiện thấy tổ chức này đã phạm tội gian lận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các chương trình cho vay và lấy lãi.

Vì lòng tham và thiếu hiểu biết

Từ tiền ảo AOC, IFan cho tới hợp tác xã đào tiền ảo, tất cả đều có điểm chung là mức cam kết lãi suất "khủng" trong thời gian ngắn.

Khi mức độ chú ý đến tiền ảo (coin) ngày càng lớn, các vụ lừa đảo thu hút đầu tư vào loại tiền này dưới các chiêu bài dịch vụ khai thác giả hay tiếp thị dạng đa cấp ngày càng tinh vi.

Cũng giống như các mô hình kinh doanh khác áp dụng hình thức tiếp thị đa cấp, giới chủ luôn hứa hẹn sẽ chi các khoản hoa hồng "khủng" khi giới thiệu sản phẩm thành công. Họ tìm đủ mọi cách để kiếm được càng nhiều người mua đồng coin càng tốt.

Sau khi mua tiền ảo, các nhà đầu tư sẽ chờ đợi coin tăng giá. Khi mức đầu tư vào càng nhiều thì giá coin sẽ ngày càng được đẩy lên cao. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận (theo thỏa thuận) của nhà đầu tư sẽ tăng chóng mặt. Chính vì điều này mà nhiều người sẵn sàng dốc hầu bao từ vài chục triệu đến trăm triệu, thậm chí tiền tỷ.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định, nững trường hợp lừa đảo đầu tư như trên sẽ vẫn còn tiếp diễn vì trong xã hội còn có nhiều người chưa có đủ kiến thức trong lĩnh vực này và nhiều người sập bẫy vì ham lợi. Nói như LS. Bùi Quang Tín - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh - chiêu thức của mô hình này là đưa ra lãi suất thật cao để kích thích lòng tham của nhà đầu tư và trả hoa hồng cao cho người giới thiệu. Đã có rất nhiều lời cảnh báo về mô hình này nhưng không ít người vẫn “sập bẫy” vì lợi nhuận quá cao, không quan tâm đến dự án đầu tư là gì, hiệu quả ra sao, mà chỉ quan tâm đến lãi suất được hưởng.

Nếu các nhà đầu tư muốn tham gia bất kỳ một dự án đầu tư tài chính nào thì phải hiểu rõ về dự án đó, theo đó đặt ra cho mình những câu hỏi cần phải trả lời, sau đó hãy làm rõ những câu trả lời đó trước khi bỏ tiền đầu tư.

Tới sự hối thúc về một khung pháp lý chặt chẽ

Mặc dù, sự quan tâm tiền ảo lớn như vậy, nhưng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện vẫn thiếu một khuôn phổ pháp lý chính thức.

Hồi đầu năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nguyên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018. Cho đến nay, chưa có thêm bất cứ một văn bản nào được đưa ra.

Trước hệ lụy của việc đầu tư tiền ảo đang diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, tiền ảo luôn tiềm ẩn rủi ro cho người sở hữu vì tính ẩn danh cao, không chịu sự chi phối của cơ quan chính danh nào nên người sở hữu không được bảo vệ nếu có thất thoát.

Thời gian qua, ngân hàng nhà nước cũng đã cảnh báo nhiều lần về hình thức huy động vốn đa cấp tiền ảo. ngân hàng nhà nước khẳng định, những đồng tiền ảo như Bitcoin hay iFan mà nhiều người tham gia không phải là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại Khoản 6, Điều 27, Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Dưới góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, người dân khi lao vào kinh doanh tiền ảo sẽ xem đồng tiền ảo tương đương với VND, USD, EUR và đến một lúc nào đó sẽ không kiểm soát được tiền ảo. Ngoài ra, nếu chúng ta không kiểm soát được khối lượng tiền ảo, nền tài chính sẽ đi vào khủng hoảng, không kiểm soát được, ảnh hưởng đến lạm phát.

Bên cạnh đó, các loại tiền ảo cũng là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài nhanh chóng, bất hợp pháp... Vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành khung pháp lý quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; góp phần bảo đảm an toàn cho thị trường trường tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ AOC, Ifan, Skymining… tới khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO