Sau cơn “địa chấn” bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm và đại dịch COVID-19, một lần nữa vấn đề về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường lại được dịp bùng lên.
>> Vụ “bỏ cọc thế kỷ” tại Thủ Thiêm: Không ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường
Ngày 10/12/2021, việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá các lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (gấp 8,3 lần giá khởi điểm) đã gây chấn động dư luận. Những người quan tâm không chỉ lo ngại về năng lực tài chính của nhà đầu tư, khả năng sinh lời, mà hơn hết là nguy cơ về những tác động tiêu cực cho thị trường bất động sản nói chung.
Sự kiện chấn động
Kết quả đấu giá "bất thường" cùng những lo lắng về hệ lụy tiềm ẩn đặt ra nhu cầu về sự can thiệp của nhà nước. Ngày 8/1/2022, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đấu giá bốn lô đất tại Thủ Thiêm. Đồng thời, hàng loạt thông tin bất lợi cho Tân Hoàng Minh cũng xuất hiện khi Bộ Công an tuyên bố sẽ xác minh các dự án của họ tại Hà Nội.
Có thể thấy, sự can thiệp của Nhà nước chủ yếu dựa trên các "giả định" về hệ quả tiêu cực từ vụ đấu giá chứ cũng chưa thấy báo cáo nào minh định rõ các hậu quả đó trên thực tế.
Cảnh báo hệ thống và trấn an dư luận là cần thiết nhưng cách thức tiến hành cho thấy dư luận xã hội đã trở thành chất liệu đầu vào cho hành động chính sách.
Cũng có nghĩa, những yếu tố phi thị trường đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả phiên đấu giá đất không thể thực hiện.
Vai trò của sự can thiệp
Phản ứng của Nhà nước liên quan đến vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm mới đây dẫn đến một số lo ngại cho sự phát triển của kinh tế thị trường ở nước ta. Đấu giá quyền sử dụng đất là hình thức tiến hành giao dịch được mong chờ bởi nó có thể góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình công khai, minh bạch các giao dịch liên quan đến đất đai.
Các chủ thể có nhu cầu về đất sẽ bình đẳng hơn, doanh nghiệp thực sự cần đất được đáp ứng, hạn chế được nguy cơ tham nhũng liên quan đến đất đai, trong khi nhà nước thu được nguồn kinh phí lớn từ giá trị thị trường của diện tích đất được đấu giá.
Bởi thế, những người ủng hộ thị trường đề cao cơ chế “tự giải quyết” của thị trường. Họ tin rằng các ngân hàng thương mại sẽ có biện pháp để tự bảo vệ lợi ích của họ. Nhà nước chỉ nên thực hiện đúng vai trò giám sát các giao dịch đất đai dựa trên cơ sở pháp lý, qua đó duy trì trật tự, sự ổn định của thị trường. Những khía cạnh tích cực từ vụ đấu giá đất sẽ từng bước góp phần thúc đẩy sự trưởng thành của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể thấy, lòng tin vào sức mạnh của thị trường cũng chỉ dựa trên lý thuyết mà chưa tính đến bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay. Hiện tượng doanh nghiệp thâu tóm đất đai rồi dùng mánh khóe để nâng giá đất là một thực tế đã từng xảy ra. Chính điều này là cơ sở cho những lo ngại về hệ lụy tiêu cực từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.
Những gì diễn ra với vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cho thấy, không chỉ là quán tính truyền thống, Nhà nước hiện nay chịu ảnh hưởng ngày càng lớn từ áp lực dư luận xã hội. Chính thực tế này khiến các cơ quan nhà nước cần phải hành động tinh tế hơn, khéo léo hơn để có thể vừa khẳng định được vai trò của Nhà nước, đồng thời bảo vệ và nuôi dưỡng những yếu tố tích cực từ vụ đấu giá đất để phát triển thị trường.
>>"Vụ bỏ cọc thế kỷ” tại Thủ Thiêm: Cần nhìn lại quy định về đấu giá đất
Để thị trường phát triển
Một thị trường trưởng thành hoàn hảo là khi việc mua bán, trao đổi được đôi bên hoàn toàn tự nguyện thực hiện dựa trên các nguyên lý thị trường thuần túy. Cũng có nghĩa, sự phát triển của thị trường đòi hỏi sự hạn chế tối đa những tác động phi thị trường (chính trị - hành chính) vào các giao dịch, trao đổi hàng hóa trên thị trường. Điều này đòi hỏi sự trưởng thành của tất cả các bên: doanh nghiệp nghiêm túc và nhà nước công tâm và bình tĩnh trong các phản ứng can thiệp. Ngược lại, nếu nhà nước phản ứng vội vàng và dựa trên áp lực dư luận thì sẽ gây ra tác động không tốt cho sự trưởng thành của thị trường hiện đại.
Đấu giá đất là hình thức tiến hành giao dịch tiến bộ cho nên cần được thực hiện nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm rằng mọi chủ thể tham gia giao dịch quyền sử dụng đất đều được đối xử bình đẳng, hoạt động giao dịch diễn ra công khai, minh bạch. Nhà nước phòng chống được nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và phát huy được giá trị đích thực của nguồn lực đất đai.
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm diễn ra theo đúng quy định của pháp luật hiện hành ở nước ta. Tuy nhiên, dư luận xã hội đã dán cái nhãn “bất thường” cho một hoạt động giao dịch hàng hóa thuần túy. Những phản ứng của cơ quan chức năng lại khắc sâu thêm tính chất “bất thường”, góp phần khiến cho kết quả đấu giá đã không được thực hiện như mong đợi. Thực tế này gợi ra rằng mọi sự can thiệp của Nhà nước cần được tính toán thận trọng hơn.
Các cơ quan nhà nước có thể thực hiện chức năng của mình theo quy định của pháp luật nhưng khi mọi sự chưa rõ ràng thì các tuyên bố từ cơ quan nhà nước cần bảo đảm sự trung tính, khách quan, và công tâm để tránh gây ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp.
Đây cũng chính là yêu cầu cần thiết đối với một Nhà nước hiện đại để có được một nền kinh tế thị trường phát triển và hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 16/01/2022
08:00, 15/01/2022
05:00, 14/01/2022
12:36, 13/01/2022
Có thể bạn quan tâm
05:00, 16/01/2022
08:00, 15/01/2022
05:00, 14/01/2022
12:36, 13/01/2022
Có thể bạn quan tâm
05:00, 16/01/2022
08:00, 15/01/2022
05:00, 14/01/2022
12:36, 13/01/2022