Uỷ ban Kinh tế đề nghị quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính trên 3 lĩnh vực

Thy Hằng 21/10/2019 10:22

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng và giao thông.

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Kinh tế cơ bản nhất trí với bác cáo kết quả thực hiện của Chính phủ. 

Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính

“Năm 2019 là năm hoàn thành tương đối đồng bộ các chỉ tiêu kinh tế Quốc hội đề ra với 7chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,8%. Cơ cấu lại nền kinh tế chuyển dịch tích cực và thực chất hơn…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định.

Sáng ngày 20/10, Quốc hội nghe

Sáng ngày 20/10, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Về tình hình phát triển kinh tế -xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban đề nghị quan tâm hơn tới nhóm giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án luật và thực hiện các Luật đã ban hành. Hướng dẫn xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

"Thực hiện nhanh, quyết liệt việc cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất cho doanh nghiệp và người dân trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng và giao thông. Tăng cường minh bạch và xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi công vụ để loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đồng thời, Kiên quyết điều chỉnh các dự án vốn không triển khai được, đẩy nhanh vốn đầu tư công. Kiếm soát lạm phát năm 2020. Tăng cường giám sát hoạt động của DNNN. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Trước đó, Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho thấy, năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

“Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng. Đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm. Phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Dám nghĩ dám làm, không lùi bước

Trên cơ sở mục tiêu đó, Chính phủ đề ra những giải pháp, trước hết, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập.

“Tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN”, Thủ tướng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thế và lực của ta không ngừng được củng cố!

    09:38, 21/10/2019

  • Chủ tịch Quốc hội: Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu

    09:31, 21/10/2019

Đồng thời, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tăng cường kỷ luật tài chính – NSNN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. 

Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, thực chất hơn. “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hiệu quả kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị.

"Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Kỳ họp

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khai mạc sáng ngày 21/10.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý. Có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ và phát huy vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp là trung tâm. Chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển KTXH. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Cùng cả nước khơi dậy sức mạnh dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, hành động quyết liệt, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Uỷ ban Kinh tế đề nghị quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính trên 3 lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO