Muốn thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển thì chỉ có hai cách: hoặc là cho mã giảm giá, hoặc là giao hàng thật nhanh. Nhưng cả hai cách đều khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi vận hành.
>>DoorDash thử nghiệm giao hàng siêu nhanh
Fridge No More, một công ty vận chuyển trụ sở tại Brooklyn (Mỹ), trong tháng 2 tạo ra lượng doanh thu kỷ lục 3,2 triệu USD và dự kiến tăng trưởng 1.600% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này phần lớn nhờ việc chạy các chương trình khuyến mãi tặng 25 USD cho khách và 30 USD cho những người giới thiệu bạn bè.
Tuy nhiên đến tháng 3, Fridge No More ngừng hoạt động, khiến 671 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp. Trước đó 4 tháng, một công ty khởi nghiệp sáng tạo vận chuyển khác tên 1520 cũng phá sản. Hay một tuần sau, công ty Buyk Corp. của Nga cũng phá sản vì không thể huy động thêm tiền vốn.
Nếu trong năm 2021, các nhà đầu tư đổ 9,7 tỷ USD vào các công ty vận chuyển nhanh trên thế giới, thì chỉ vài tháng của năm 2022, sự lạc quan này đã không còn tồn tại.
Các công ty vận chuyển thường thu hút khách hàng bằng hai cách chính: giao hàng nhanh hơn, hoặc có khuyến mãi nhiều hơn.
Trong tháng 2, theo nghiên cứu từ YipitData, ba startup vận chuyển lớn nhất của Pháp giảm giá cho khách hàng hơn một nửa thời gian. Công ty Getir (Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ) khuyến mãi 86% các đơn hàng ở Pháp. Gopuff (Philadelphia - Mỹ) cung cấp mã giảm giá đến 70%, và thống kê cho thấy có 31% các đơn hàng của Gopuff được áp mã giảm giá.
Không chỉ là giá cả, các công ty còn cố gắng rút ngắn thời gian vận chuyển. Con số thời gian mà họ hay dùng để quảng cáo là 15 phút. Chẳng hạn Jokr, một đơn vị vận chuyển của Mỹ, hoạt động tại Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu, từng đảm bảo giao hàng trong tối đa 15 phút.
>>Giao hàng tiết kiệm có kế hoạch IPO với định giá 1 tỷ USD
Tuy nhiên việc cam kết thời gian giao hàng nhanh là điều rất khó khăn và tốn kém. Bởi mô hình này đòi hỏi các công ty phải thuê và duy trì nhiều trung tâm phân phối nhỏ để nguồn hàng luôn gần khách hàng, có như vậy mới có thể giao hàng nhanh. Đồng thời họ cũng phải có đội ngũ giao hàng riêng là nhân viên chính thức, chứ không thể là các dịch vụ đặt giao hộ.
Việc cam kết thời gian giao hàng trong vòng 15 phút này bắt đầu khiến giới chức để mắt. Hiện tại hội đồng thành phố New York đang xem xét cấm các công ty quảng cáo thời gian giao hàng trong 15 phút, vì lo ngại người giao hàng có thể thực hiện những hành vi không an toàn như vi phạm luật giao thông.
Tình hình gọi vốn của các công ty cũng không khả quan, khi các nhà đầu tư đang e dè vì hoạt động chứng khoán ảm đạm của các công ty giao hàng có tiếng như như Deliveroo, Just Eat, DoorDash, v.v.. Chẳng hạn Getir đặt mục tiêu huy động 1 tỷ USD, nhưng thực tế chỉ được 800 triệu USD. Hay như kế hoạch IPO của Gopuff, việc vốn dĩ được tiến hành vào cuối năm 2022, cũng không còn triển vọng.
Những công ty nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc tìm người mua lại. Trong khi đó những công ty giao hàng nhanh ở mọi quy mô đều đang tìm cách điều chỉnh mô hình kinh doanh. Có bên thì chuyển hướng sang những đơn hàng lớn hơn, ít thường xuyên hơn, không cần tốc độ giao hàng nhanh. Hay công ty Gorillas đang muốn mở rộng sang mảng bán các bữa ăn chuẩn bị sẵn.
Đồng thời, các công ty đang hạn chế cam kết giao hàng 15 phút. Chẳng hạn Gorillas và Jokr không đặt ra mốc 15 phút nữa mà thay vào đó là ước tính thời gian giao hàng. Còn DoorDash đang có những động thái muốn tăng thời gian giao hàng lên 30 phút, vì “có cơ hội sinh lời cao hơn”.
Các công ty vận chuyển nhanh chật vật không chỉ là câu chuyện của thế giới, mà còn ở Việt Nam.
Trước đó những ông lớn trong ngành thương mại điện tử như Tiki hoặc Lazada có dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ. Khi mới ra mắt dịch vụ này cũng khá đình đám. Tuy nhiên một thời gian sau khách hàng đều cảm thấy thất vọng vì các dịch vụ giao hàng nhanh còn nhiều thiếu sót.
Chẳng hạn dịch vụ giao hàng nhanh đều chỉ áp dụng cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, và cũng chỉ có một số sản phẩm nhất định. Đồng thời dù mang tên là giao hàng trong vòng 2 giờ, nhưng thực tế thời gian hàng hóa đến tay khách hàng không được nhanh như vậy. Đó là còn chưa kể muốn sử dụng dịch vụ này phải đặt trước 2 giờ chiều (Lazada) hoặc 1 giờ chiều (Tiki).
Theo như nhận xét của nhiều người, các dịch vụ kiểu này tại Việt Nam giống chiến lược marketing hơn thay vì là một dịch vụ khách hàng. Vì người bán và người mua khá phân tán, do đó giao hàng trong vòng 2 giờ là bất khả thi.
Những ví dụ thực tế từ các doanh nghiệp vận chuyển của thế giới lẫn Việt Nam cho thấy vận chuyển nhanh vẫn còn là một câu chuyện khá xa của khách hàng trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm