Văn hoá là “linh hồn” của doanh nghiệp

ĐÌNH ĐẠI thực hiện 14/01/2024 02:00

Trong giai đoạn hội nhập, văn hóa doanh nghiệp phải vững mạnh, minh bạch và chuyên nghiệp mới có được nguồn lực vững mạnh để tồn tại và phát triển bền vững.

>>Văn hóa nâng cao chất lượng doanh nghiệp

Chia sẻ với Doanh Nhân xung quanh câu chuyện về vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, văn hóa là “linh hồn” của doanh nghiệp.

Vị doanh nhân cho rằng, trong giai đoạn hội nhập, văn hóa doanh nghiệp phải vững mạnh, minh bạch và chuyên nghiệp thì mới có thể thu hút và giữ được chân nhân tài, mới có được nguồn lực vững mạnh để tồn tại và phát triển bền vững.

- Có ý kiến cho rằng, văn hóa trong doanh nghiệp có lớn mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy điều hành, trong đó có vai trò của người lãnh đạo. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy. Lãnh đạo là người vạch ra đường hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp và cũng là người chèo lái để đưa đường hướng phát triển này đi đúng hướng. Nhiều người cũng từng thắc mắc rằng, vậy nhà lãnh đạo có phải là người tạo ra văn hóa doanh nghiệp không? Hay văn hóa doanh nghiệp định hình nhà lãnh đạo?

Sự thật là cả hai yếu tố này đều có phần ảnh hưởng, nhưng theo tôi, nhà lãnh đạo là nhân tố chính và là người phải chịu trách nhiệm trong việc định hình và phát triển văn hóa tích cực và trải nghiệm của nhân viên trong tổ chức của họ, nhà lãnh đạo không thể phó mặc cho bộ phận nhân sự xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp là văn hoá của một tổ chức, vì vậy, đây không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh, cũng không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng hay trong phòng họp mà bao gồm sự tổng hợp của các yếu tố: Giá trị, niềm tin, chuẩn mực, hành vi.

- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình dài và phức tạp. Vậy theo bà, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu tâm những gì để xây dựng một văn hóa doanh nghiệp phù hợp và hiệu quả nhất?

Người ta thường nói đến 4 mô hình xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp theo định nghĩa của 2 giáo sư kinh doanh Robert E. Quinn và Kim Cameron. Nhưng, trên thực tế, không có con đường thực sự đúng đắn nào cho tất cả các tổ chức. Tuy nhiên, tôi cũng xin nêu ra đây một vài ý.

Thứ nhất, Văn hóa Adhocracy: Còn được gọi là “văn hóa sáng tạo”, đây là một môi trường có tính đổi mới cao và phát triển nhanh chóng.

Thứ hai, Văn hóa gia tộc: Văn hóa công ty có tính hợp tác cao, phát triển dựa trên tinh thần đồng đội.

Thứ ba, Văn hóa phân cấp: Như tên cũng đã cho thấy, đây là văn hóa làm việc có cấu trúc, thường tuân theo các vai trò và quy trình đã được thiết lập.

Thứ tư, Văn hóa thị trường: Văn hóa định hướng mục tiêu, áp lực cao, tập trung vào sản lượng và đạt được mục tiêu.

 Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Robert Quinn và Kim Cameron.

Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Robert Quinn và Kim Cameron.

- Tại IPPG, văn hóa doanh nghiệp đã được ban lãnh đạo Tập đoàn chú trọng xây dựng và thể hiện như thế nào? Những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Tại IPPG, chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp tập trung vào 4 nhân tố chính, đó cũng chính là 4 chữ “I, P,P,G”, được viết tắt từ 4 từ: Intergrity (Sự chính trực), Professional (Sự chuyên nghiệp), People (Con người) và Growth (Phát triển), để đạt được sự tin tưởng của đối tác kinh doanh, nhân viên và cộng đồng, trong đó: Intergrity được thể hiện qua sự trung thực, minh bạch uy tín trong chiến lược kinh doanh, trong các nghĩa vụ đối với Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, với đối tác, khách hàng, với cộng đồng. Professional thể hiện trong cách làm việc, trong tổ chức bộ máy quản lý, phong cách lãnh đạo, triển khai hoạt động kinh doanh,, và môi trường làm việc, không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, People là yếu tố về con người, IPPG luôn coi trọng yếu tố này và xem đó là nguồn lực quan trọng nhất. Chúng tôi không ngừng thúc đẩy sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của nhân viên, khuyến khích sự đoàn kết và hợp tác trong tổ chức. Growth là thể hiện nỗ lực của IPPG luôn hướng đến sự phát triển bền vững thông qua việc đưa ra các chiến lược kinh doanh đột phá, tìm những hướng đi mới, phát triển mở rộng công ty tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra giá trị cho xã hội và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

- Bà có lời khuyên nào đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi tại IPPG. Đó là: Cần định nghĩa rõ mục tiêu và loại hình văn hóa doanh nghiệp nào mà người lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn theo đuổi. Cùng với đó là chú trọng vào chế độ đãi ngộ, phúc lợi của nhân viên, củng cố các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, luôn lắng nghe và đối thoại cùng đội ngũ, sử dụng công cụ hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững. Và cuối cùng là “Thực thi – Thực thi và Thực thi” - đây là 3 keywords quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Bản sắc văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân

    Bản sắc văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân

    02:00, 26/11/2023

  • Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp

    Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp

    15:17, 01/08/2023

  • Nâng cao năng suất lao động bằng xây dựng văn hoá doanh nghiệp

    Nâng cao năng suất lao động bằng xây dựng văn hoá doanh nghiệp

    03:40, 01/05/2023

  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại công nghiệp 4.0

    Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại công nghiệp 4.0

    04:00, 05/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn hoá là “linh hồn” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO