Đó là một trong những đề xuất của VCCI về góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương mới đây.
Liên quan đến góp ý về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, VCCI cho rằng, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cụ thể, dự thảo đã bỏ các điều kiện tại khoản 3 Điều 7 quy định về việc có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”.
Đồng thời, dự thảo cũng đã bỏ “đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy”. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 7 quy định về việc “có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu tại Điều 6.
Theo đó, Điều 1 của dự thảo quy định: “Trong quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy”.
Theo quan điểm của VCCI, việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên là không thay đổi về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định tại Nghị định 116 và Dự thảo đều dẫn chiếu chung chung theo hướng “theo quy định của pháp luật về …”.
Xét bản chất, dù dự thảo có quy định hay không thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, theo VCCI, việc Dự thảo bổ sung Điều 1 về các quy định này là không cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 1 Dự thảo.
Đồng thời, VCCI cũng có góp ý tương tự đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 2 Điều 3 Dự thảo về bổ sung quy định dẫn chiếu yêu cầu tổ chức phát điện phải đảm bảo các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy.
Có thể bạn quan tâm
13:23, 20/08/2019
15:35, 16/08/2019
16:38, 13/08/2019
09:58, 13/08/2019
Cũng liên quan đến Nghị định 116, thời gian qua, VCCI nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô nước ngoài về một số vướng mắc liên quan đến quy định tại Nghị định này.
Có thể kể đến như, Nghị định 116 yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và an toàn kỹ thuật cho từng lô xe ô tô nhập khẩu tại mục 2, điểm a, khoản 2, Điều 6.
Theo đó, các quy định này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi theo hướng chứng nhận, thử nghiệm lần đầu và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo có cùng kiểu loại nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật.
Ngoài ra, Nghị định 116 tại Điều 3 khoản 10 quy định “Lô xe nhập khẩu là các ô tô thuộc một tờ khai hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô”.
Có nghĩa, nếu 1 lô hàng có cùng vận đơn, cùng hóa đơn, cùng cảng đích, có số thuế nhập khẩu từ 12 chữ số sẽ phải làm thủ tục khai báo hải quan bằng giấy mà không sử dụng được hệ thống VNACCS, vì phải tách tờ khai để giảm trị giá. Nếu tách tờ khai sẽ phải lấy ít nhất 2 xe ô tô nhập khẩu thay vì 1 xe đi làm mẫu. Điều này sẽ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy,doanh nghiệp đề nghị bổ sung sửa đổi điểm nàythành“một lô xe nhập khẩu là một lô hàng mà các ô tô có chung một vận đơn”.
Liên quan đến Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan thẩm quyền nước ngoài (VTA) tại mục 1 điểm a khoản 2 Điều 6.
Theo ghi nhận từ ý kiến doanh nghiệp cho thấy, các hãng có xe nhập nguồn từ Nhật Bản đều không thể có VTA do Chính phủ Nhật không có cơ chế hoặc quy định về cấp VTA. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị chấp thuận phương án thay thế VTA bằng một trong nhiều giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.