VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu

ANH TRÀ 14/08/2021 03:33

Theo VCCI, việc ùn tắc tại cảng biển Cát Lái do ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp.

Lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái gần hết công suất

Lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái gần hết công suất

Cụ thể, trong văn bản góp ý Dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hoạt động tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu tại cảng, … tác động tiêu cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc Bộ Tài chính soạn thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 là hết sức cần thiết.

Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc tại các cảng biển. Tuy nhiên, về hướng lâu dài, sau thời gian này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp các cảng biển bị ùn tắc có tính áp dụng chung trong mọi thời điểm cho các trường hợp này.

Dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể, vì vậy cần phải được thiết kế cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và thuận lợi khi triển khai trên thực tế. Mặc dù vậy, VCCI cho rằng ột số quy định tại Dự thảo chưa đáp ứng được nguyên tắc này, cụ thể:

Trong Điều 3 về ơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo thì “sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển” là một trong những cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển. Quy định này là chưa đủ rõ để xác định tình trạng hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định này theo hướng, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận hàng/giải phóng hàng từ cảng và hoặc hoạt động khai thác cảng.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định văn bản của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển phải được Cảng vụ Hàng hải xác nhận. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có được sự xác nhận này.

Việc điều chuyển hàng hóa để giảm tải ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh vì vậy các thủ tục trong Dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế theo hướng: hoặc cho phép doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tự chịu trách nhiệm trong việc xác định sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển. Đồng thời, thông báo tới Cảng vụ Hàng hải mà không cần phải có sự xác nhận của đơn vị này, hoặc thiết kế thủ tục tương tự như thủ tục phê duyệt kế hoạch vận chuyển hàng hóa của cơ quan hải quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo (doanh nghiệp gửi thông báo về việc ùn tắc, trong khoảng thời gian 02 giờ làm việc Cảng vụ phải xác nhận, nếu quá thời hạn này nếu  không có ý kiến phản hồi thì được coi là xác nhận).

Với việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, Điểm b khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi “chỉ được thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt”.

Khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định hãng tàu/đại lý hãng tàu có trách nhiệm “tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi do doanh nghiệp cảng biển gửi đến và phải phản hồi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong thời hạn không quá 02 giờ kể từ khi nhận được danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi”.

Các quy định trên chưa rõ ở các điểm: Chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu do bên nào chi trả? Hai bên (doanh nghiệp cảng biển và hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng) có được thỏa thuận về vấn đề này trong quá trình để đạt được “sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng” hay không?

VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Với việc quyết toán tình hình thực hiện vận chuyển hàng hóa, Điểm e khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định doanh nghiệp cảng biển “trong thời hạn 05 ngày làm việc sau thời gian thực hiện Thông tư này, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa”.

Quy định này không rõ ở thời điểm phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình, bởi vì “sau thời gian thực hiện Thông tư này” là không biết thời gian nào? Và doanh nghiệp sẽ phải báo có cho Chi cục hải quan nào (nơi hàng đi hay nơi hàng đến). Chính vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo rõ ràng, cụ thể của quy định.

Theo quy định tại Dự thảo thì chủ hàng sẽ là một trong các chủ thể chấp thuận việc thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Dự thảo. Các chủ thể có liên quan đến vận chuyển hàng (doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, hãng tàu/đại lý hãng tàu; chi cục hải quan) đều được quy định về trách nhiệm, trong khi đó chủ hàng thì ngoài quy định trên không có quy định nào liên quan đến chủ thể này.

Do đó, VCCI đ nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định liên quan đến chủ hàng trong việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu.

Mẫu Thông báo kế hoạch vận chuyển hàng hóa, mẫu số 01 Phụ lục Dự thảo đang được thiết kế dưới dạng văn bản giấy. Việc sử dụng bản giấy có thể kéo dài thời gian thực hiện thủ tục thông báo. Đồng thời, Mẫu 01 yêu cầu chữ ký của 3 bên: doanh nghiệp – hải quan nơi đi – hải quan nơi đến là chưa phù hợp, bởi vì theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Dự thảo thì doanh nghiệp chỉ phải xin phê duyệt thông báo kế hoạch này tại Chi cục Hải quan nơi đi, còn Chi cục Hải quan nơi đến chỉ tiếp nhận thông báo này mà không phải phê duyệt.

Việc trong Mẫu có cả hai chữ ký của Chi cục Hải quan nơi đến và đi có thể đưa đến cách hiểu là doanh nghiệp phải chờ Chi cục Hải quan hai nơi phê duyệt mới được triển khai việc vận chuyển. Để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo (i) bổ sung quy định điện tử hóa Mẫu 01 và (ii) bỏ phần chữ ký của Chi cục Hải quan nơi đến.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI đề nghị lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát sang 1/7/2022

    VCCI đề nghị lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát sang 1/7/2022

    02:30, 02/06/2021

  • VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy

    VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy

    04:20, 09/07/2020

  • VCCI góp ý xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh

    VCCI góp ý xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh

    04:22, 03/09/2020

  • VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước

    VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước

    05:07, 20/07/2020

  • VCCI góp ý Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    VCCI góp ý Dự thảo Nghị định cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

    04:50, 25/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO