VCCI: Kinh doanh tốt hơn để thế giới tốt hơn!

Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI 28/04/2018 13:38

Câu chuyện phát triển bền vững (PTBV) ngày nay đã không còn xa lạ và đang trở thành một xu thế toàn cầu.

Chung dòng chảy đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, VCCI... cũng đang xây dựng những kế hoạch dài hơi cho câu chuyện “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn” để nền kinh tế, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Việt Nam là một trong số những quốc gia đã đưa ra mục tiêu PTBV toàn cầu vào chương trình nghị sự trong nước. Cùng với các đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI đang nỗ lực không mệt mỏi, góp phần đưa các mục tiêu đó đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động của mình, VBCSD thúc đẩy và tăng cường quan hệ đối tác Doanh nghiệp – Chính phủ - Xã hội... để cùng các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp chung tay vì một một cộng đồng văn minh, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Phát triển bền vững vốn dĩ là kinh doanh tốt

Nhìn ra thế giới, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xu hướng kinh doanh bền vững vì các cơ hội kinh doanh và hiệu quả. Bởi họ biết rằng, PTBV ngày càng có liên quan chặt chẽ tới lợi nhuận cao trong đầu tư. Các doanh nghiệp đương thời cấp tiến và các doanh nghiệp mới thành lập đang định hình các cơ hội thị trường do các mục tiêu toàn cầu mang lại bằng cách thực hiện 5 mô hình kinh doanh mới: chia sẻ, tuần hoàn, dịch vụ tinh gọn, dữ liệu lớn và doanh nghiệp xã hội.

Với những lợi ích đó, nhiều Cty đã triển khai mô hình đồng bộ công cụ PTBV nhằm mở ra những cơ hội kinh doanh mới thông qua đổi mới sáng tạo, tìm cách nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo, thu hút lao động, khách hàng và nhà đầu tư... Một nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu McKinsey cho thấy, 44% lãnh đạo doanh nghiệp coi tăng trưởng và cơ hội kinh doanh mới là động cơ thúc đẩy họ giải quyết các thách thức PTBV.
Câu chuyện tập đoàn 3M (Hoa Kỳ) đã lồng ghép PTBV vào chương trình đổi mới sáng tạo với mục tiêu giảm thiểu chất thải và tránh ô nhiễm thông qua chương trình đánh giá lại công thức sản phẩm là một ví dụ. Với một thoả thuận toàn cầu mới về cắt giảm sử dụng khí Hydrofluorocarbons (HFC) được ký kết vào năm 2016, tập đoàn 3M hiển nhiên được hưởng lợi rất nhiều khi thị trường toàn cầu chuyển sang sử dụng các lựa chọn thay thế an toàn hơn.

   Trong câu chuyện “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn” không có ai là lớn, nhỏ, không ai kém quan trọng và mọi ý tưởng đều bình đẳng và đều có thể trở thành hiện thực nếu có sự quyết tâm.

Một báo cáo khác cho thấy, nếu doanh nghiệp tập trung vào PTBV sẽ giúp tiết kiệm chi phí rất lớn. Thống kê cho thấy nhiều doanh nghiệp đạt tỷ lệ hoàn vốn đầu tư nội bộ là 27% nhờ các hạng mục cắt giảm carbon. Tập đoàn Dow của Mỹ cắt giảm 110 BTU năng lượng tiêu thụ năm 2014, tái sử dụng 344 triệu pound phụ phẩm trong năm đó. Tập đoàn này đã tiết kiệm được 9,4 tỷ USD trong 15 năm tính đến năm 2010. Đáng nói, nỗ lực này đã ngăn chặn 95 triệu tấn carbon dioxide xả vào khí quyển và góp phần tiết kiệm 9,4 tỷ USD chi phí như đã nói.

p/Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI thúc đẩy quan hệp/lao động hài hoà

    VCCI thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà

    13:40, 27/04/2018

  • Sứ mệnh đồng hành của VCCI

    13:31, 27/04/2018

  • VCCI: Hợp tác kinh tế và ngoại giao nhân dân

    13:28, 27/04/2018

  • "Con cá sống vì nước - VCCI sống vì doanh nghiệp”

    13:15, 27/04/2018

  • VCCI - hành trình 55 năm và khát vọng khởi nghiệp

    13:03, 27/04/2018

Kể những ví dụ trên để thấy rằng, việc các doanh nghiệp chủ động đầu tư thực hiện PTBV, có kế hoạch bài bản chẳng những mang lại nguồn lợi lớn, tiết kiệm chi phí cho chính doanh nghiệp đó, mà quan trọng hơn còn góp phần bảo vệ môi trường. Đó cũng chính là mục tiêu biểu hiện của “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn”.

Tại Việt Nam, câu chuyện trên dường như mới chỉ có các doanh nghiệp lớn quan tâm, còn hầu hết các doanh nghiệp nhỏ vẫn thờ ơ, coi như chuyện của các “ông lớn” chứ không phải bổn phận của mình. Đơn cử như việc thực hiện báo cáo bền vững, một xu thế tất yếu nếu các doanh nghiệp muốn PTBV. Nhưng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp lớn như: Bảo Việt, Heineken, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, FPT, Vinamilk,... chú trọng, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại vẫn còn thờ ơ, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang thực hiện PTBV và làm báo cáo bền vững theo kiểu lấy lệ và còn sơ sài. Ít doanh nghiệp biết rằng, quan tâm đến PTBV, lập một báo cáo bền vững chân thực, minh bạch, luôn có được phần thưởng lớn hơn công sức mà họ bỏ ra.

Suy nghĩ “làm cho có” không phải là hiếm và trở nên vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay, khi mà biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang “gõ cửa” từng gia đình.

Nỗ lực vì mục tiêu Phát triển bền vững

Xác định được những khó khăn, thách thức trong câu chuyện PTBV ở Việt nam, VCCI nói chung và VBCSD nói riêng đang nỗ lực từng ngày để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn. Điều quan trọng là phải tác động tới nhận thức, bởi đây chính là yếu tố hàng đầu để “kéo” doanh nghiệp tham gia và đưa câu chuyện PTBV lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, VBCSD đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp PTBV (VCSF) và Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững (CSI) thường niên. Các sự kiện này không còn dừng lại ở phạm vi của một diễn đàn quy tụ hàng trăm doanh nghiệp tham dự mà vươn lên trở thành nơi ươm mầm và hiện thực hoá, lan toả nhiều sáng kiến kinh doanh được phát triển theo hướng PTBV cũng như theo mô hình hợp tác công - tư.

Đặc biệt, VBCSD đã thành lập Tổ tư vấn về PTBV và Kỷ nguyên số hóa. Nhiệm vụ của Tổ tư vấn là đề xuất lên Chính phủ các chính sách, kế hoạch hành động liên quan đến Cách mạng kỹ thuật số và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) . Tổ tư vấn đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh về nhận thức của doanh nghiệp và tác động của CMCN 4.0 để xây dựng 01 báo cáo chính xác nhất cũng như các đề xuất phù hợp cho Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy thực hiện PTBV tại Việt Nam, VBCSD - VCCI đã tiên phong xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Cuối tháng 1/2018, Chương trình đã chính thức được khởi động bằng Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” giữa VBCSD-VCCI, Unilever Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam.

Dù sự lan toả của việc thực hiện PTBV, hướng tới mục tiêu “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn” ở Việt Nam chưa nhiều, dù “đường lớn đã mở” khi Chính phủ định hướng “PTBV là một trong những cam kết quốc tế quan trọng của Việt Nam, nhưng năm 2018 phải tạo được chuyển biến rõ nét, thực chất trong Kế hoạch quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về PTBT”. Và chúng ta đã đi qua một chặng đường dài kể từ khi Uỷ ban Brundtland đưa ra khái niệm đầu tiên về PTBV. Nhưng rõ ràng, chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan và cần sự nỗ lực chung tay của cả cộng đồng.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong câu chuyện “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn” không có ai là lớn, nhỏ, không ai kém quan trọng và mọi ý tưởng đều bình đẳng và đều có thể trở thành hiện thực nếu có sự quyết tâm. Mỗi một cơ hội kinh doanh bền vững được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển, chắt chiu để cùng xây dựng tương lai PTBV tốt đẹp hơn.

Chắc chắn, VCCI sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy và lan toả quá trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI: Kinh doanh tốt hơn để thế giới tốt hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO