Vì đâu doanh nghiệp dệt may lại "lao đao"?

Ngọc Hà 31/07/2019 00:09

“Sau hàng chục năm, ngành dệt may mới rơi vào tình trạng “khan hiếm” đơn hàng như vậy. Doanh nghiệp nào “đắt khách” thì có đơn hàng đến tháng 10, còn không thì chỉ đến nửa tháng 9”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương – Tổng Giám đốc may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên với riêng Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến câu chuyện thách thức tạm thời mà doanh nghiệp ngành may mặc đang phải đối mặt. 

Các đơn hàng dệt may rơi vào tình trạng khan hiếm, doanh nghiệp nào đắt hàng thì tới tháng 10 còn không thi

Các đơn hàng dệt may rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Gánh nặng chi phí bảo hiểm xã hội 

Tiếp mạch câu chuyện, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: "Mặc dù đây là tình trạng tạm thời song cũng đáng báo động".

Có lẽ đây là một tín hiệu không mấy suôn sẻ và đi ngược lại kỳ vọng của doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định, có lượng khách hàng truyền thống, có sự dịch chuyển các đơn hàng dệt may từ Việt Nam sang các nước trong khu vực như Bangladesh, Ấn Độ hoặc Myanmar.

Có nhận định cho rằng, sự dịch chuyển đơn hàng này là các chủ đơn hàng mong muốn đảm bảo được doanh số bền vững khi lợi ích từ Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng. 

Vậy điều gì đang ảnh hưởng trực tiếp làm hạn chế các đơn đặt hàng và nguy cơ đe dọa ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may như vậy?

Theo lý giải của ông Nguyễn Xuân Dương, đó là những chi phí liên quan đến lao động năm nào cũng tăng; năng suất lao động, tay nghề lao động mặc dù đã cải thiện nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Cụ thể, nếu khi gia công một chiếc áo sơ mi dài tay tại Bangladesh, Ấn Độ thì chi phí là 1,2 USD, còn chi phí này khi gia công tại Việt Nam là 1,7 USD. Như vậy là cao hơn 30% so với các nước trong khu vực. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được với chi phí nhân công cao hơn 30% so với các nước trong khu vực hay không?

Chưa kể đến, các chi phí khác mà đặc thù doanh nghiệp dệt may với tỷ lệ sử dụng lao động lớn thì kéo theo chi phí bảo hiểm cũng lớn. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp dệt may Hải Dương với 600 lao động, chi phí bảo hiểm xã hội chiếm từ 10-12%tổng doanh thu. Đây là mức chi phí "quá sức" đối với một doanh nghiệp dệt may.

Đồng quan điểm với chi phí về nhân công, chi phí bảo hiểm đang là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh của ngành thì ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết: "Bên cạnh đó các chi phí khác như điện, nước, vận tải, thuê đất cũng tăng. Trong khi đó giá gia công lại không đổi. Vì vậy doanh nghiệp phải đứng trước bài toán làm thế nào để vừa đề xuất được  giá "rơi vào" điểm giá của khách hàng muốn đặt mà vừa có thể duy trì được việc làm cho người lao động. Bài toán này chưa bao giờ là dễ".

Đáng chú ý, không chỉ các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp lớn như may Nhà Bè và may Việt Tiến sau hàng chục năm thì năm nay cũng là năm đầu tiên các doanh nghiệp này "rơi" vào tình trạng thiếu đơn hàng ngay từ tháng 4.

Tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới

Trước bài toán thách thức này, các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị và chiến lược ứng phó cho những tháng tiếp theo. Tưu chung đều là tăng cường xúc tiến thương mại và chủ động tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới để bổ sung thiếu hụt cho những đơn hàng "khách quen". 

Bởi trước chi phí leo thang, ngay cả những đơn hàng khách quen, truyền thống lâu năm, mặc dù không rút hoàn toàn song họ đều giảm số lượng hàng xuống.

Đề xuất một trong những giải pháp mà doanh nghiệp đang triển khai, ông Phí Ngọc Trịnh cho biết: "Doanh nghiệp đang cố gắng đẩy năng suất lao động lên, tìm kiếm, phát triển các khách hàng mới thay khách hàng cũ. Đồng thời tăng cường làm MOB, để giãn biên độ lợi nhuận".

Ngoài ra, ông Lê Viết Thụ - Giám đốc Công ty TNHH May TBT cũng kiến nghị, để đảm bảo tính cạnh tranh cho các đơn hàng dệt may từ Việt Nam và doanh nghiệp "bớt" gánh nặng chi phí, thì các chi phí đầu vào liên quan đến người lao động như bảo hiểm xã hội, điện, dịch vụ vận tải, chi phí công đoàn, đất đai cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn hoặc giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Xuân Dương lại đề xuất, nên chăng Việt Nam điều chỉnh tỷ giá giữa đồng VND so với đồng USD như các mà Trung Quốc hoặc Ấn Độ đã làm thời gian gần đây. Để khi xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì đâu doanh nghiệp dệt may lại "lao đao"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO