Không phải là vấn đề mới mẻ, thế nhưng, tại nghị trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, thuế thu nhập cá nhân là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập. Nguyên nhân vì đâu?
>> Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời – Nên sửa bất cập ngay trong năm 2024
Lý giải cho việc chưa giải quyết một số bất cập của thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mức thu nhập bình quân hiện nay của chúng ta là 4,96 triệu đồng, như vậy, để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân là 2,2 lần, trong khi ở thế giới là dưới 1 lần. Thêm vào đó, CPI tính từ năm 2020 tới nay mới tăng 11,47%, trong khi theo luật hiện hành thì phải trên 20% thì mới thực hiện tăng giảm trừ gia cảnh,...
Phải khẳng định, lý giải này của Bộ Tài chính hoàn toàn có cơ sở. Thế nhưng, đối với các chính sách đã lỗi thời, không còn theo kịp với thực tiễn thì cũng nên có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Liên quan đến công tác xây dựng thể chế, pháp luật thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã không ít lần nhấn mạnh, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, không cầu toàn nhưng không nóng vội; những gì đã chín, đã rõ, có tính ổn định thì luật hóa; những gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn nghiên cứu thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; đối với những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau thì cố gắng tạo đồng thuận.
Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt thời gian qua là vô cùng quyết liệt, thế nhưng, nhìn lại câu chuyện về những bất cập của thuế thu nhập cá nhân, cơ quan chuyên môn lại chưa thể hiện được tinh thần đó. Đây không phải là vấn đề mới mẻ, bởi trong suốt thời gian qua, nhiều chuyên gia, người dân thông qua các diễn đàn, cơ quan truyền thông đã phản ánh, cùng với đó Quốc hội, Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên, gánh nặng trên vai người nộp thuế đâu vẫn hoàn đó, thậm chí tăng lên.
Theo đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng - Mức giảm trừ này được cho đã quá lạc hậu.
>> Thuế thu nhập cá nhân – Đã đến lúc cần điều chỉnh
Thực tế, giá rất nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Đơn cử CPI năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022 nhưng các nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gần như tăng gấp đôi. Chẳng hạn như nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước đó do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024; Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85%, trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu, nhóm thực phẩm tăng 2,33%... Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, còn giá xăng thì tăng tới 105%… trong khi mức giảm trừ gia cảnh vẫn duy trì từ năm 2020 tới nay không dịch chuyển.
Cùng với đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, tức là dựa trên rổ hàng hóa với 752 mặt hàng là bất hợp lý, không theo kịp thực tế cuộc sống. Bởi, các mặt hàng thiết yêu gần như gấp đôi so với mức tăng của CPI tùy theo từng năm nhưng lại được tính chung một rổ.
Đặc biệt, lương tăng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời dẫn đến việc lương tăng thì thu nhập tính thuế cũng tăng. Từ đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của cải cách tiền lương mà Đảng và Nhà nước đang tiến hành đẩy mạnh thời gian qua.
Nhìn nhận về các vấn đề bất cập của thuế thu nhập cá nhân với báo chí, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, một trong những bất cập được nêu nhiều nhất tại các phiên thảo luận của Quốc hội thời gian qua là mức giảm trừ gia cảnh. Năm 2009, mức này là 4 triệu đồng/tháng; đến năm 2013 nâng lên 9 triệu đồng/tháng; và phải chờ 7 năm sau mới được điều chỉnh lên mức 11 triệu đồng. Trong khoảng thời gian dài giữa những lần điều chỉnh, nền kinh tế đã trải qua những đợt lạm phát cao, có những năm lên 2 con số.
Với mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay thì mức giảm trừ trên không đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, song một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013 - 2020 đã tăng gấp 2 - 3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, với quy định trên, giả sử lạm phát cứ ở mức 15 - 17% và kéo dài tới hàng chục năm, vậy thì mức giảm trừ cũng phải chờ tới hàng chục năm để điều chỉnh.
“Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp nên phần lớn chi tiêu của người dân là dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Một người có thu nhập 10 triệu đồng, có thể đã phải chi đến 80% cho nhu cầu thiết yếu. Tại những nước mà người dân có thu nhập cao, chẳng hạn thu nhập của người dân 100 triệu đồng thì chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu chỉ chiếm 20 - 30%. Nhưng biểu thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam thì các mức thuế suất cao bằng những nước có thu nhập cao, thậm chí còn cao hơn. Thêm một vấn đề cũng rất bất cập là mức thuế dành cho người nước ngoài ở Việt Nam là 20% nhưng với người Việt có thu nhập cao thì phải chịu thuế lên tới 35%”, vị chuyên gia này phân tích.
Từ đó có thể thấy, việc sửa những bất cập thuế thu nhập cá nhân là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cuộc sống và mong mỏi của hầu hết người nộp thuế, nếu không có giải pháp và lộ trình giải quyết sớm thì đây vẫn tiếp tục là vấn đề “nóng” nhận được sự quan tâm.
Có thể bạn quan tâm
Thuế thu nhập cá nhân quá lỗi thời – Đừng để người dân chờ thêm nữa
21:21, 18/05/2024
Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời – Nên sửa bất cập ngay trong năm 2024
12:00, 04/04/2024
Thuế thu nhập cá nhân: Sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn
22:08, 25/02/2024
Thuế thu nhập cá nhân – Đã đến lúc cần điều chỉnh
04:00, 24/11/2023
Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
04:00, 08/09/2023