Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Cuộc đua của các siêu ứng dụng (super app) trước nay vẫn được xem là cuộc chơi đốt tiền. Với cái đầu lạnh của Chủ tịch CTCP Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), ông dự tính sẽ ngăn điều đó sẽ xảy ra.
Trong cuộc gặp gỡ đầu năm với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Công ty CP Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cho rằng, MWG không có ý định vác tiền ra đốt.
Cụ thể, khi nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu MWG có nghĩ đấn việc tích hợp ba dịch vụ Bách Hoá Xanh (BHX), Điện Máy Xanh (ĐMX) và Thế Giới Di Động (TGDĐ) vào một siêu ứng dụng (super app), để tạo ra tiện ích mua sắm trong một thị trường đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ có tiềm năng về tài chính và công nghệ? Câu trả lời đã ngoài dự đoán.
Ông Nguyễn Đức Tài khẳng định, đua super app, tích hợp các mảng bán online không phải là trọng tâm chính của doanh nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời, ông cho rằng đây là cuộc chơi đốt tiền và MWG không có ý định tham gia vào cuộc chơi đốt tiền đó.
Lãnh đạo MWG chia sẻ rằng họ ý thức được trong tương lai sẽ có một nhóm người trẻ chỉ quen ngồi một chỗ quẹt quẹt tay trên màn hình và đợi hàng được giao tới. Do đó, MWG đang tập trung xây dựng các kênh bán hàng sao cho trơn tru, thuận tiện nhất.
"Chúng tôi không nhìn nhận việc phải tích hợp TGDĐ và ĐMX vào cùng một ứng dụng thì mới thành công còn nếu tách ra thì khó thành công. Do đó, tiến độ tăng tốc xây dựng super app không phải là ưu tiên số một trong tập đoàn này", Chủ tịch MWG chia sẻ.
Ông Tài cũng cho rằng, ưu tiên số một hiện nay của MWG là mở cửa hàng và quản lý cửa hàng tốt để khách hàng thích ghé lại mua sắm và phương thức bán hàng online cũng phải thoải mái tiện nghi.
Liên quan đến ý định triển khai sàn thương mại điện tử của MWG và tầm nhìn trong 3 năm tới, người đứng đầu MWG khẳng định có ý định đó, song chưa có thời gian triển khai cụ thể.
"Có làm thương mại điện tử hay không, câu trả lời là có nhưng năm cụ thể thì chưa bởi cái này vẫn còn rất tốn kém và đau thương nhất là vào lúc này. Lúc thiên hạn cứ tiếp tục đem tiền ra đốt thì từ đầu tới giờ, MWG chưa có ý định sẽ vác tiền ra đốt, nhưng sẽ chọn thời điểm thích hợp để bước vào lĩnh vực này", ông Tài nhấn mạnh.
Đối với hoạt động bán hàng online, Chủ tịch MWG dự báo mảng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 3 năm tới, đặc biệt là đối với các hệ thống như TGDĐ, ĐMX và BHX. Mục tiêu chiến lược của MWG là tăng trưởng mỗi năm khoảng 50% - 70% trong mảng bán hàng online.
“MWG sẽ tiếp tục "chiến đấu” trong vài ba năm tới cho tới khi nhận thấy thời điểm chín muồi của thương mại điện tử và quy mô thị trường sẽ có lãi trong vòng 1 - 2 năm thì sẽ nhảy vào để kiếm tiền từ nó", Chủ tịch MWG cho biết.
Ông cũng tiết lộ, doanh nghiệp đã nhận được nhiều lời đề nghị IPO các mảng kinh doanh để tái định giá doanh nghiệp, nhưng Lãnh đạo chưa có ý định đó. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định là chưa không có nghĩa là không có, chỉ là lúc này MWG chưa suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Năm 2020, MWG ghi nhận tăng trưởng ở mức "hợp lý" trong bối cảnh chung của nền kinh tế với mức tăng doanh thu thuần chỉ 6% so với cùng kỳ, đạt 108.546 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.921 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm 2019.
Để đạt được kết quả như trên, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập của MWG.
Ngoài mặt hàng chính điện thoại, điện máy, MWG còn đẩy mạnh khai thác các ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn dư địa tăng trưởng như đồng hồ với hơn 500 điểm bán, với 1,2 triệu sản phẩm bán ra, mang về gần 1.600 tỷ đồng cho MWG. Ngoài ra, sản phẩm máy tính xách tay, với 26 trung tâm laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trong chuỗi TGDĐ và ĐMX cũng đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng cho nhà bán lẻ số 1 Việt Nam này.
Bên cạnh đó, khi nói đến “động lực tăng trưởng mới cho tương lai” của MWG thì không thể không nhắc đến chuỗi cửa hàng BHX. Nếu như năm 2016, MWG chỉ có 47 cửa hàng, với doanh thu 249 tỷ đồng, thì đến năm 2020, số lượng cửa hàng BHX trên toàn quốc đã đạt 1.719 cửa hàng, mang về doanh thu 21.260 tỷ đồng cho MWG. Trung bình mỗi cửa hàng BHX đạt 1,25 tỷ đồng/ tháng, trong đó, 47% doanh thu đến từ hàng tươi sống, hàng mát và đông lạnh.
Công ty CP Chứng khoán Phú Mỹ Hưng (PHS) nhận định, bước sang năm 2021, thị trường bán lẻ còn nhiều rủi ro tiềm ẩn do tình hình dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, PHS kỳ vọng MWG có thể trở lại đà tăng trưởng hai chữ số nhờ tập trung triển khai mô hình mới và tăng độ phủ cho cả hai chuỗi ĐMX và BHX. PHS dự phóng kết quả của MWG trong năm 2021 lần lượt đạt 130.836 tỷ đồng (+20,5%YoY) doanh thu thuần và 4.546 tỷ đồng (+16%YoY) lợi nhuận sau thuế, với giả định biên lãi gộp ở mức 21,5%.
Mặc dù vậy, PHS cũng chỉ ra một số rủi ro đối với MWG như: Mảng điện thoại di động đang bão hòa; Chi phí vận hàng BHX khá cao, chiếm khoảng hơn 23% doanh thu của BHX; BHX đang chịu sức ép từ nhiều đối thủ cạnh tranh trong ngành FMCG như Vinmart, Coop Mart.
Có lẽ, vẫn sẽ phải cần thời xem để xem cái đầu lạnh của Chủ tịch MWG sẽ mang đến cho thị trường những điều bất ngờ nào từ các mảng hoạt động đang khá tách biệt và theo kế hoạch của ông, sẽ tiếp tục tách biệt, chưa thực sự tận dụng lợi thế hệ sinh thái và dữ liệu lớn khách hàng mà MWG đang có hiện nay.
Có thể bạn quan tâm