Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) đã và đang có cú lội ngược dòng trong nhiều phiên giao dịch vừa qua.
So với nhóm cổ phiếu ngành điện lực thì cổ phiếu POW có tính thanh khoản cao và được khối ngoại liên tục mua vào. Trong phiên ngày 1/6, khối ngoại mua vào 1,4 triệu cổ phiếu POW, giúp cổ phiếu này cán mốc 10.450 đồng/cổ phiếu với hơn 6 triệu cổ được khớp lệnh. Trước đó trong phiên ngày 28/5, khối ngoại mua vào 3,6 triệu cổ phiếu POW… Trong tháng 5, khối khoại liên tục mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu của POW.
Sở dĩ cổ phiếu POW được khối ngoại liên tục mua ròng do doanh nghiệp này có chủ trương thành lập công ty con để phát triển điện mặt trời trên các nhà máy hiện hữu để tận dụng hạ tầng, đội ngũ và mạng lưới đấu nối.
Trong cuộc thảo luận với quỹ đầu tư mới đây, đại diện POW cũng xác nhận doanh nghiệp này có chủ trương thành lập công ty con để phát triển điện mặt trời, hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị và chờ phê duyệt dự án.
Theo chủ trương ban đầu, POW sẽ phát triển điện mặt trời áp mái ngay trên các nhà máy của doanh nghiệp cũng như các cơ sở, nhà máy thuộc hệ thống Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Có thể nói, với hạ tầng sẵn có nên việc đấu nối sẽ có nhiều thuận tiện.
Theo các nhà đầu tư, hiện suất đầu tư điện mặt trời đã rất cạnh tranh, và quá trình đầu tư cũng đơn giản hơn các nguồn điện khác, do đó POW sẽ thực hiện triển khai nhanh dự án này. Trong năm đầu tiên, POW dự kiến sẽ có được công suất điện mặt trời khoảng 50 MW, tương đối nhỏ so với các đơn vị trên thị trường và cả hệ thống ngành điện.
Với mục tiêu giữ vững lợi nhuận công ty mẹ khoảng 1.924 tỷ đồng, POW dự kiến sẽ trình phương án chia cổ tức năm 2020 theo mức kỳ vọng của năm 2019 (3%). Phương án chia cổ tức tiền mặt này được đánh giá là phù hợp với nguyện vọng của nhà đầu tư và cũng tránh pha loãng các chỉ số ROE, ROA trong tương lai.
Trong năm 2020, POW đặt kế hoạch doanh thu 35.449 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 2.044 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm kế hoạch đạt 21.6 tỷ kWh. Trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu của POW đã đạt 10.288 tỷ đồng, hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu cả năm 2020.
Các nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 có doanh thu sụt giảm do tình trạng thiếu khí và ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Trong khi các công ty thủy điện Hủa Na và Đakdrink có doanh thu cũng giảm do ảnh hưởng của tình hình thời tiết khô hạn.
Tuy nhiên, nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 có doanh thu tăng mạnh 55% do tình trạng thiếu than của năm 2019 cơ bản đã được khắc phục. POW tăng cường bổ sung nguồn nhiên liệu đầu vào cho các dự án nhiệt điện — Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 có nhu cầu tiêu thụ năm 2020 khoảng 3,4 triệu tấn than, tuy nhiên Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam chỉ có thể cung cấp 3 triệu tấn than. Vì thế, POW sẽ có thể phải nhập khẩu 400.000 – 450.000 tấn than. Ngoài ra, POW cũng sẽ được bổ sung nguồn cung cấp khí tự nhiên khi dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt được đưa vào vận hành.
"Trong ngắn hạn nợ vay và khấu hao giảm dần là chất xúc tác cho việc cải thiện lợi nhuận của POW, trong khi đó các dự án điện sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn. Sử dụng phương pháp P/E và P/B, mức giá mục tiêu của POW sẽ là 16.500 đồng"/cp, DongA Securities khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 04/01/2020
15:57, 10/06/2019
09:14, 15/01/2019
04:30, 10/01/2019
12:00, 03/12/2018