Theo các chuyên gia về giao thông, có 3 lý do để chủ phương tiện chấp nhận tốn tiền mua phí sử dụng dự án BOT là đường tốt hơn, gần hơn và được chạy tốc độ nhanh hơn, rút ngắn thời gian đi đến và đỡ hao nhiên liệu.
Huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là một giải pháp, một xu hướng của thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong đó có Việt Nam.
Cải thiện hình ảnh BOT trong mắt nhà đầu tư
Còn nhớ hơn 7 năm trước, khi dự án BOT cao tốc Trung Lương-TP HCM mới đi vào khai thác chỉ có khoảng 30% phương tiện chịu mua phí để đi qua tuyến đường này, 70% phương tiện còn lại né trạm vì cho là mức thu cao nên chọn đường cũ là quốc lộ 1 để đi. Lo lắng đổ vỡ phương án tài chính, chủ đầu tư và Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập trạm thu phí trên quốc lộ 1 thuộc địa phận TP Tân An, tỉnh Long An để thu song song với trạm thu phí cao tốc nhằm "thu tất" phương tiện đi từ TP HCM-miền Tây và ngược lại. Rất may là khi ấy Chính phủ không đồng ý với đề nghị này mà yêu cầu nhà đầu tư phải xem xét giảm mức thu phí cho phù hợp. Sau khi mức thu phí được điều chỉnh giảm ở mức hợp lý thì chủ phương tiện đã vui vẽ chấp nhận mua vé sử dụng dịch vụ và không còn xảy ra tình trạng "né trạm" nữa.
Nếu làm bài toán về kinh tế thì với mức thu phí phù hợp, chủ phương tiện sẽ được lợi nhiều hơn khi phải sử dụng con đường cũ. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến thành công của dự án BOT cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là vì dự án này đã đáp ứng được cái mà người dân đang cần, lợi ích hài hòa các bên.
Cam kết pháp lý vững chắc mới "hút" được PPP
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu-Bộ KH&ĐT: "các dự án PPP phải mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, nếu không thì họ sẽ không làm. Nhà nước và người sử dụng có thể hưởng lợi từ hiệu quả về kinh tế do dự án mang lại. Nếu như dự án PPP được lập cơ cấu tốt và được đấu thầu cạnh tranh cùng với sự phân bổ rõ ràng về các rủi ro, nhà đầu tư tính được mức lợi nhuận hợp lý thì họ mới mạnh dạn "xuống tiền" để làm. Do đó, điều đầu tiên trong phát triển các dự án PPP là phải có danh mục dự án tốt. Vấn đề kế tiếp là nhà nước phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ, đảm bảo rủi ro được phân bổ hợp lý.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, bên cạnh việc rà soát đánh giá lại các dự án PPP đã triển khai trong thời gian qua, Bộ GTVT đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tiến hành phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP để trình Quốc hội. Trước mắt, Bộ sẽ trình Chính phủ sớm điều chỉnh Nghị định 15/2015, 30/2015 và các Thông tư hướng dẫn để hạn chế tối đa những bất cập về chính sách.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hợp đồng BOT nói riêng và hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 437 về việc yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Tổng kết việc triển khai thực hiện, hoàn thiện pháp luật các mô hình đầu tư theo hình thức PPP; Bộ GTVT và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ trong phạm vi cả nước; Lựa chọn dự án ưu tiên... Đặc biệt, đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.