Trong vòng 1 tháng qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phái các nhà ngoại giao hàng đầu đến Trung Quốc để góp phần "rã băng" quan hệ với Trung Quốc.
>>“Mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ - Trung
Trong thời gian ngắn, liên tiếp các quan chức hàng đầu ở Mỹ đến thăm Trung Quốc. Đầu tiên là Ngoại trưởng Antony Blinken, tiếp theo là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên của Tổng thống Biden về biến đổi khí hậu - cựu Ngoại trưởng John Kerry.
Trung Quốc đã dành cho Mỹ sự tôn trọng cao nhất khi cả hai nhân vật hàng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường đã gặp gỡ hai Bộ trưởng và ông John Kerry. Đặc biệt, nhà ngoại giao Herry Kissinger hơn 100 tuổi đã đến Bắc Kinh ngày 20/7, ông Tập đích thân đón tiếp.
Nguyên thủ quốc gia tiếp đón Bộ trưởng của một quốc gia khác là ngoại lệ hiếm thấy ở cường quốc châu Á. Lãnh đạo Trung Quốc không gì khác ngoài thể hiện thông điệp thiện chí giải tỏa bớt các áp lực trong một số lĩnh vực đã “cầm chân” quan hệ hai nước nhiều năm nay.
Ông Joe Biden tung những “quân bài” ngoại giao tốt nhất hiện nay đến Trung Quốc, động thái hoàn toàn đối nghịch với chiến lược làm mất lòng Trung Quốc của Washington gần đây tại châu Á - Thái Bình Dương. Rõ ràng, Mỹ muốn cùng Trung Quốc giải toả bớt căng thẳng trong một số lĩnh vực vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu - thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu sẽ không dễ dàng được thực hiện nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh. Cường quốc châu Á tạo ra nguồn phát thải lớn, cùng Mỹ “đóng góp” 40% toàn cầu.
Thứ hai, sự có mặt của bà Janet Yellen trong chuỗi ngoại giao lần này có thể mang đến lời giải cho các gói thuế thương mại áp vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến quốc gia Bắc Mỹ. Việc ông Tập trực tiếp gặp gỡ quan chức nắm “tay hòm chìa khóa” của Mỹ cho thấy tính chất quan trọng của nội dung bàn bạc.
Thứ ba, Nhà trắng không muốn cắt đứt hoàn toàn liên lạc với Bắc Kinh, giảm trừ nguy cơ “chiến tranh Lạnh”. Nói đúng hơn, thỏa hiệp là sách lược có tính giai đoạn, trong những lĩnh vực mà Mỹ không hoàn toàn vượt trội so với đối phương.
>>Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ Alaska
Tất cả những điều đó một lần nữa cho thấy rõ đặc điểm chính sách ngoại giao dưới thời ông Joe Biden cũng như cách tiếp cận của ông Biden với Trung Quốc cũng hoàn toàn khác biệt so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Trên thực tế, sự xa lánh Trung Quốc không có lợi cho Mỹ, thậm chí điều đó chỉ khiến quốc gia châu Á ngày càng vượt khỏi quỹ đạo mong muốn của Washington. Tuy nhiên, Trung Quốc bây giờ không còn giống như thập niên 60 - khi họ cần Mỹ để thay đổi diện mạo nền kinh tế.
Trung Quốc không khước từ, nhưng cũng không quá vồ vập cải thiện quan hệ với Mỹ. Bắc Kinh nắm rõ và tận dụng lợi thế, không nhượng bộ lợi ích cốt lõi, đặt Mỹ trước các điều kiện khó trong một cuộc chơi chủ động hơn.
Mâu thuẫn Trung - Mỹ len lỏi sâu sắc nhiều lĩnh vực, đi vào từng vấn đề nhỏ và biểu hiện thường xuyên, tự nhiên như các phản xạ vô điều kiện. Hơn thế nữa, Bắc Kinh đã hoạch định lộ trình riêng, xây dựng hệ giá trị không pha trộn, không chia sẻ.
Quan hệ Mỹ - Trung vừa chịu ảnh hưởng từ bối cảnh thế giới, khu vực, vừa là nhân tố chi phối, tác động toàn diện đến tình hình, các xu hướng chúng. Có nhiều lý do dẫn đến hai cường quốc có thể thỏa hiệp, hợp tác trong một số vấn đề cụ thể. Nhưng về cơ bản, quan hệ Mỹ-Trung vẫn bất định, khó dự báo. Vì chiến lược của mỗi bên không được thiết kế để ăn nhập cùng nhau, mà chúng là hai đường thẳng song song cùng đến một điểm đích.
Có thể bạn quan tâm
Thảm họa thiên nhiên sẽ giúp "hàn gắn" quan hệ Mỹ - Trung?
04:00, 18/07/2023
Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ "phá băng" quan hệ Mỹ - Trung?
14:43, 07/07/2023
Không dễ "tan băng" trong quan hệ Mỹ - Trung
04:00, 05/07/2023
Quan hệ Mỹ - Trung sắp "tan băng"?
03:30, 04/07/2023
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?
04:00, 20/06/2023
Quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ "ấm" dần
03:30, 13/06/2023
Tín hiệu mới trong quan hệ Mỹ - Trung
03:30, 09/06/2023
"Hé lộ" nhân tố mới trong mối quan hệ Mỹ - Trung
03:30, 11/04/2023