Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã khởi sắc trở lại trong tháng 7 với sự tham gia nhiệt tình hơn của các ngân hàng.
Sức hấp dẫn tăng trở lại
Hoạt động đấu thấu trái phiếu Chính phủ khá èo uột trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là trong quý 2 vừa qua. Lượng gọi thầu hàng tháng liên tục giảm, tháng 6 chỉ đạt 12.750 tỷ đồng và tính cả quý 2, tổng lượng gọi thầu là 48.250 tỷ đồng, tương đương khoảng 60% kế hoạch quý (80.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, số liệu thống kê của của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong quý 2, khối lượng trúng thầu chỉ đạt 35.644 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ thành công chỉ khoảng 73,9%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 105.112 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua đấu thầu tại HNX, tức mới đạt 68,5% kế hoạch phát hành nửa đầu năm và bằng 40,4% kế hoạch năm nay. Tỷ lệ thành công bình quân của các phiên trong thời gian này chỉ là 75,5%.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 10/07/2019
20:18, 27/06/2019
09:58, 06/05/2019
22:45, 17/12/2018
12:18, 13/08/2018
Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã khởi sắc trở lại trong tháng 7. Theo đó kể từ đầu tháng 7 đến nay, Kho Bạc Nhà nước đã tổ chức 3 đợt đấu thầu trái phiếu với tổng khối lượng gọi thầu là 20.000 tỷ đồng, bằng 40% tổng khối lượng gọi thầu của cả quý 2. Nhưng khối lượng trúng thầu vẫn đạt tới 18.740 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ thành công là 93,7%.
Đáng chú ý trong phiên đấu thầu ngày 17/7/2019, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công toàn bộ 8.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, bao gồm cả 2.500 tỷ đồng phát hành thêm. Thậm chí trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, vốn khá ế ẩm trong quý 2, nay cũng “cháy hàng”.
Một dấu hiệu nữa cũng cho thấy sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ đang dần trở lại, đó là khối lượng đăng ký tăng mạnh, trong khi lãi suất trúng thầu giảm mạnh.
Nếu như khối lượng đăng ký bình quân trong các phiên đấu thầu của quý 2 chỉ gấp khoảng 3 lần khối lượng gọi thầu (148.697 tỷ đồng so với 48.250 tỷ đồng), thì tỷ lệ này đã tăng lên là 4 lần khi bước sang tháng 7 (81.174 tỷ đồng so với 20.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm hiện đã giảm về còn 3,65%, thấp hơn 0,05 điểm phần trăm so với thời điểm đầu quý 2; lãi suất kỳ hạn 10 năm giảm còn 4,51%, thấp hơn 0,11 điểm phần trăm; lãi suất kỳ hạn 15 năm giảm còn 4,76%, thấp hơn 0,18 điểm phần trăm; kỳ hạn 20 năm giảm còn 5,15%, thấp hơn 0,27 điểm phần trăm…
Thanh khoản dư thừa
Một chuyên gia tài chính cho biết, sở dĩ trái phiếu Chính phủ “hút hàng” trở lại trong tháng 7 là do các ngân hàng đẩy mạnh mua vào vì một số lý do sau: Thứ nhất, thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào nhờ nguồn cung từ NHNN và tín dụng bị kiểm soát.
Theo đó, với việc mua vào ít nhất là 8,35 tỷ USD trong những tháng đầu năm, NHNN đã bơm vào hệ thống ngân hàng gần 195 nghìn tỷ đồng. Trong khi số liệu thống kê cho thấy, cơ quan này mới chỉ hút về khoảng hơn 105 nghìn tỷ đồng từ đầu năm, có nghĩa vẫn còn gần 90 nghìn tỷ đồng đang còn nằm lại hệ thống.
Bên cạnh đó, mặc dù NHNN siết tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14% - thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, song không ít nhà băng đã chót “vung tay quá trán” khi xài gần hết hạn mức tín dụng được cấp. Hiện một số ngân hàng đang đối mặt với cảnh “ngồi chơi xơi nước” nếu NHNN không nới room tín dụng. “Trong tình thế đó, đẩy vốn vào trái phiếu có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan khi mà thị trường liên ngân hàng cũng đang ứ vốn”, vị chuyên gia trên cho biết.
Thứ hai, lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn những tháng đầu năm cũng rất lớn. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 21/6, khối lượng trả nợ gốc là 98.995 tỷ đồng, vì thế lượng trái phiếu Chính phủ huy động ròng (trừ trả nợ gốc) từ đầu năm đến thời điểm trên chỉ là 3.678 tỷ đồng. “Trái phiếu đáo hạn lớn cũng là lý do khiến các nhà băng đẩy mạnh mua vào để thay thế nhằm dự phòng thanh khoản”, vị này nhận định.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể sớm tăng trở lại trong thời gian tới do hiện Kho bạc Nhà nước mới chỉ huy động được có 123.852 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tức mới hoàn thành 47,5% kế hoạch năm. Vì thế, cơ quan này có thể đẩy nhanh tốc độ huy động trong những tháng cuối năm nay.
Thế nhưng, đây lại là quãng thời gian các ngân hàng chú trọng nhiều hơn đến tín dụng. Trong khi hiện đã có khá nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và nhiều nhà băng vẫn đang chờ đợi. Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, tất nhiên dòng vốn sẽ lại tập trung vào mảng mang lại lợi nhuận cao hơn là tín dụng, thay vì trái phiếu. Điều đó càng có khả năng khi mà sau khi các ngân hàng đã nạp đủ lượng trái phiếu thay thế cho số đã đáo hạn.