Năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD - mức kế hoạch cao tương đương năm 2019, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm.
Theo các dự báo của thế giới, thị trường dệt may phục hồi nhu cầu về mức của năm 2019 sớm nhất là quý II/2022 và chậm nhất là quý IV/2023. Chính vì vậy, 2021 vẫn còn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.
Đáng chú ý, năm 2021 nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập như xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường; hàng hóa dệt may đơn giản thay thế hàng thời trang, dẫn tới nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt; mô hình kinh doanh online, giảm trung gian, đòi hỏi quản trị và giao tiếp số với toàn bộ các thành phần của chuỗi cung ứng…
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, xác định rõ các thách thức của năm 2021, ngành Dệt may Việt Nam và Vinatex đặt kế hoạch cao là đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tương đương với năm 2019 nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm. Với mục tiêu cao cho năm 2021 là xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu ngành dệt may đã đề ra trong năm 2021, bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp, Tập đoàn Dệt may cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất. Quan tâm tiếp tục giảm được lãi suất vay dài hạn, vì năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các yêu cầu mới hậu Covid-19, cũng như đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA.
Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian phát triển và các điều kiện kích thích phát triển. Các địa phương ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là các chi phí logistic thông qua quy hoạch mạng lưới logistic quốc gia, cùng các chi phí thuế quan khác. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng Quy tắc xuất xứ, có cổng thông tin tra cứu lợi ích từ các FTA.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2020, ngành dệt may đã nhanh chóng thích nghi với các điều kiện thị trường, đảm bảo duy trì sản xuất, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm tới 25%.
Có thể bạn quan tâm
Hai kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2021
04:00, 04/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành dệt may, da giày nỗ lực phấn đấu tăng trưởng nhanh
19:42, 23/12/2020
Dệt may "rộng cửa" vào EU nhờ cộng gộp xuất xứ vải với Hàn Quốc
04:10, 21/12/2020
Dự báo xuất khẩu dệt may sẽ "về đích" 34 tỷ USD
04:15, 30/11/2020
Thanh Hóa: Doanh nghiệp dệt may chịu sức ép “kép” từ thị trường
01:58, 04/11/2020