Vì sao Nhật Bản "mạnh tay" tăng chi tiêu quốc phòng?

CẨM ANH 27/12/2022 04:00

Nhật Bản vừa thông qua dự toán ngân sách tài khóa 2023 có tổng trị giá lên tới 114.380 tỷ yên (khoảng 862 tỷ USD), trong đó ngân sách dành cho quốc phòng tăng tới 26,3% so với tài khóa trước.

>>QUAD tìm cách thay đổi "cán cân" tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

Nhật Bản Hệ thống phóng tên lửa đất đối hạm Type 12

Hệ thống phóng tên lửa đất đối hạm Type 12 của Nhật Bản. Ảnh: AFP

Cùng với Vương quốc Anh và Italy, Nhật Bản sẽ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035. Đáng chú ý, bên cạnh khoản kinh phí 1,6 tỷ USD để mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Washington, Tokyo phải bỏ ra thêm 830 triệu USD để mua lại công nghệ và phần mềm cần thiết để vận hành và duy trì loại vũ khí này khi cho rằng mối đe dọa an ninh đang ngày càng tăng trong khu vực.

Nhật Bản cũng sẽ bỏ ra 1,08 tỷ USD để củng cố năng lực tấn công tầm xa thông qua việc mua 8 máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ để biên chế cho các tàu sân bay trực thăng Kaga và Izumo của nước này.

Được biết, gói ngân sách này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như giúp quốc gia này có được khả năng phản công, báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh Nhật Bản trong thời gian tới. Mức chi tiêu mới này cũng phù hợp với tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên khối quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Bhubhindar Singh, một chuyên gia về chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết mặc dù không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh và Seoul sẽ “cảnh giác” với các động thái của Tokyo, nhưng điều này sẽ không làm tổn hại đến mức độ tin cậy cao của các quốc gia trong khu vực đối với Nhật Bản.

>>Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ- Thái Bình Dương

Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật. Ảnh: Japan Times

Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật. Ảnh: Japan Times

“Về cơ bản, Tokyo luôn theo đuổi một chiến lược cân bằng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngoại giao và địa kinh tế, đồng thời luôn nhấn mạnh khía cạnh phòng thủ trong chiến lược quân sự của mình", ông Signh cho biết.

Trao đổi với SCMP, ông Stephen Nagy, Phó giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo nhận định, động thái của Nhật Bản cũng phản ánh những lo ngại của họ với an ninh trong khu vực. "Là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình theo truyền thống, kho vũ khí của Nhật Bản chủ yếu dành cho mục đích phòng thủ và nước này thường ít trang bị các vũ khí vốn được coi là mang tính tấn công hơn. Nhưng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến căng thẳng với hàng loạt phóng thử tên lửa và bắn pháo ra biển của Bình Nhưỡng, khiến Tokyo lo ngại", ông Nagy nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, Tokyo có thể làm nhiều hơn nữa để giải quyết những lo ngại trong khu vực về khả năng tấn công của mình. “Các quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng Nhật Bản phải có biện pháp để ứng phó với môi trường đang phát triển và thay đổi, nhưng sự phát triển này sẽ đóng góp vào sự ổn định của khu vực thông qua các biện pháp phòng thủ và hòa bình", chuyên gia này nói thêm.

Mặt khác, ông Satoru Nagao, một thành viên tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, cho biết khả năng tấn công của Nhật Bản không phải là khả năng tấn công độc lập của riêng nước này mà là “một phần trong chiến lược của Mỹ tại khu vực".

Ông Nagao cho biết thêm rằng, gần đây Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Vì thế, Nhật Bản cũng đang đáp ứng yêu cầu của Washington về việc các đồng minh của họ chia sẻ gánh nặng an ninh.

"Động thái nói trên của Nhật Bản cùng với việc Ấn Độ cũng có những động thái tương tự khi mua tên lửa để triển khai dọc khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn siêu thanh, sẽ buộc Trung Quốc phải phòng thủ trên nhiều mặt trận”, ông Nagao nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ- Nhật Bản thúc đẩy hình thành khối

    Mỹ- Nhật Bản thúc đẩy hình thành khối "NATO kinh tế"

    04:00, 01/08/2022

  • Trung Quốc đối mặt thách thức lớn hơn vào năm 2023

    Trung Quốc đối mặt thách thức lớn hơn vào năm 2023

    05:00, 20/12/2022

  • Trung Quốc và sách lược ngoại giao dầu mỏ

    Trung Quốc và sách lược ngoại giao dầu mỏ

    04:30, 12/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Nhật Bản "mạnh tay" tăng chi tiêu quốc phòng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO