Kinh tế ảm đạm, nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh nên OPEC quyết định không khai thác thêm cho đến năm 2026.
Tám thành viên OPEC+ sẽ kéo dài mức giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày sang quý 1/2025 và sẽ bắt đầu tăng sản lượng dần dần từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2026. Một số thành viên khác của tổ chức này cũng sẽ hoãn việc nới lỏng đợt cắt giảm thứ hai 1,7 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm sau.
Bất chấp nhiều đợt cắt giảm sản lượng và xung đột đang diễn ra đe dọa khu vực Trung Đông - nơi sản xuất dầu chủ đạo của thế giới, giá dầu toàn cầu vẫn ở mức thấp trong phần lớn thời gian của năm nay, dưới áp lực từ triển vọng nhu cầu ảm đạm.
Thêm vào sự bất ổn về địa chính trị là sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump - cam kết sẽ tiếp tục giải phóng sản lượng dự trữ của Mỹ - nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay.
Nhiều vấn đề bất khả kháng đã gây áp lực lên thị trường năng lượng toàn cầu, suốt năm nay là câu chuyện về nguồn cung dồi dào và nhu cầu giảm. Một trở lực chính là tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc - nền kinh tế tiêu thụ năng lượng lớn nhất.
OPEC+ không còn duy trì sức ảnh hưởng mang tính quyết định đến giá cả toàn cầu so với thập niên 70 khi lệnh cấm vận dầu mỏ do cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 đã khiến giá dầu tăng gấp 4 lần.
Nhiều tháng xung đột vũ trang giữa Israel, Hamas và Hezbollah, không giúp ích gì nhiều trong việc thúc đẩy giá dầu. Chỉ có khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran mới có thể làm thay đổi tình hình.
Trong bản cập nhật gần đây nhất về thị trường năng lượng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu trong nửa đầu năm nay tăng với mức nhỏ nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC vấp phải sự phản ứng từ các thành viên nhỏ hơn.
Cùng lúc đó, Mỹ đang bơm khối lượng dầu thô chưa từng có. Cơ quan Thông tin Năng lượng nước này dự kiến sản lượng dầu thô trung bình hàng ngày tại Mỹ trong năm nay sẽ là 13,2 triệu thùng/ngày và dự kiến sản lượng này tiếp tục tăng vào năm 2025.
Trên bình diện chung, do lãi suất cao, nhiều nền kinh tế đã chậm lại và hiện chưa rõ kịch bản hạ cánh cứng hoặc hạ cánh mềm. Và lý do quan trọng không kém là hầu hết các nền kinh tế đang cố gắng dựng lên một số loại rào cản thương mại, hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vậy giá dầu và xăng sẽ ra sao tiếp theo? Một số chuyên gia năng lượng tin rằng giá dầu đã đạt đỉnh trong năm nay và sẽ tiếp tục giảm, hỗ trợ tốt hơn cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều dầu mỏ.
Tom Kloza, Giám đốc phân tích năng lượng toàn cầu của Oil Price Information Service cho rằng: Năm 2025 thậm chí còn tệ hơn đối với các nhà sản xuất dầu với nguồn cung gần như chắc chắn vượt xa nhu cầu từ 500.000 đến 1 triệu thùng một ngày.