“Không hết ngập không lấy tiền” là lời tuyên bố của ông chủ “siêu máy bơm”, với giá thuê máy bơm chống ngập hơn 14 tỷ đồng/năm, khiến dư luận còn nhiều băn khoăn với phương án mới.
Ngập vẫn hoàn ngập là câu chuyện xảy ra hàng năm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng và các tuyến đường trên địa bàn TP HCM nói chung. Và đây cũng chính là nỗi ám ảnh của nhiều người dân mỗi khi mùa mưa tới.
Ám ảnh từ “siêu máy bơm” chống ngập…
Năm 2020, mặc dù đã được đầu tư “siêu máy bơm” chống ngập nhưng cũng không được mấy sáng sủa, trong khi đây mới chỉ là những trận mưa đầu mùa, những tuyến đường này vẫn nằm trong biển nước, nhiều phương tiện không thể đi lại. Còn “siêu máy bơm” chống ngập với công suất 27.000 - 96.000 m3/giờ, cũng chỉ hoạt động ì ạch, túc tắc…
Về phía ông chủ của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung lắp “siêu máy bơm”, cũng bặt vô âm tín, không còn những lời nói như đinh đóng cột “không hết ngập không lấy tiền”, khiến dư luận bức xúc, bị ám ảnh, nên đã tạo dư luận với nhiều quan điểm trái chiều khi nói về đề án xã hội hóa chống ngập của TP HCM, trong đó có phương án thu phí chống ngập.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng TP HCM để xây dựng phương án giá dịch vụ chống ngập cho TP, mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP HCM được xác định là 3.668 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án đưa ra để có cơ sở kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa vào công tác chống ngập.
Chia sẻ với báo chí, một số ý kiến của các chuyên gia thì ủng hộ phương án này, và cho rằng “đây là giải pháp chống ngập lâu dài”. Dẫn chứng các dịch vụ công liên quan, một số chuyên gia phân tích: “Trên miếng đất 100m2, có 60m2 đất không thấm, không có chỗ cho nước mưa ngấm xuống thì chủ sở hữu phải trả tiền cho 60m2 đất gây ngập đó. Nếu hộ nào điều tiết được, cải tạo được thành đất thấm thì không phải trả. Đối với 1 dự án cũng vậy, tỷ lệ mặt phủ không thấm tăng lên thì phần nước mưa thặng dư phải do doanh nghiệp trả tiền”.
… đến các giải pháp từ nguồn xã hội hóa?
Giải thích về các giải pháp này, đại diện Sở Xây dựng, cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP cần 96.527 tỉ đồng để chống ngập nhưng huy động từ ngân sách, xã hội hóa cũng chưa được một nửa khiến việc chống ngập chắp vá, không giải quyết tận gốc. Và nguyên căn của phương án xã hội hóa chống ngập này là do thiếu tiền – đại diện Sở xây dựng chia sẻ.
Đối lập với quan điểm trên, một số chuyên gia lại cho rằng, nguyên nhân của nạn ngập ở các đô thị Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quy hoạch đô thị thiếu không gian cho nước và cây xanh. Một số khu vực quy hoạch tốt nhưng sau đó lại điều chỉnh, tăng mật độ xây dựng khiến mỗi lần mưa nước không có chỗ thoát. Cụ thể nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây không hề ngập. Người dân khó có thể nhận khi đã xã hội hóa, thu phí chống ngập, mà nếu không hết ngập thì ai trả tiền lại cho người dân?
Trước đó, năm 2017, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (TP Hải Phòng) đã có đề xuất tự lắp ráp một máy bơm “khủng” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, với tuyến bố “không hết ngập không lấy tiền”. Ông Cường cho biết, từ khi lắp đặt xong máy bơm (19/9/2017) đến ngày 24/10/2017 đã qua 13 lần hoạt động chứng tỏ hiệu quả của máy bơm “khủng” này. Tuy nhiên, thực tế có 2 lần đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng, dù máy bơm vẫn hoạt động khiến nhiều nhà khoa học đặt nghi vấn về tính hiệu quả lâu dài của hệ thống máy bơm trong việc chống ngập.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TP.HCM, một chuyên gia nghiên cứu về các giải pháp chống ngập TP, chia sẻ: Nguyên lý cơ bản của công tác chống ngập là hệ thống thoát nước phải tốt, không phải dùng máy bơm. Thực tế, cả máy bơm của Trung tâm Chống ngập TP HCM cũng như của Tập đoàn Cơ khí công nghiệp Quang Trung tại đường Nguyễn Hữu Cảnh thời gian qua không mang lại hiệu quả lâu dài mà chỉ xử lý tức thời. Những trận mưa lớn vào tháng 10/2017, không máy bơm nào có thể xử lý được. Các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM trong một cuộc hội thảo gần đây cũng chỉ ra tác hại của việc sử dụng máy bơm công suất lớn sẽ gây sạt lở cho những công trình lân cận.
“Giải pháp triệt để xử lý vấn đề ngập của đường Nguyễn Hữu Cảnh là cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, gia cố nền đường và nâng mặt đường lên, vì một số đoạn thiết kế dưới mức thủy triều, dùng hệ thống thoát nước hiện đại để xử lý. Sau khi hệ thống thoát nước được cải tạo tốt, mặt đường được nâng cao từ 30-50cm, không ảnh hưởng đến cư dân xung quanh và đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cơ bản hết ngập”, ông Trường khẳng định.
Đáng chú ý, năm 2019, UBND TP ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019, trong đó hơn 7.500 tỷ đồng sẽ được đầu tư để thực hiện 218 dự án chống ngập của TP.
Theo đó, TP sẽ cho thực hiện đầu tư 218 dự án trong năm 2019. Trong đó, có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 4.900 tỷ đồng; 47 dự án khởi công mới với tổng kinh phí hơn 1.800 tỉ đồng; 94 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng.
Cùng với đó, UBND TP giao nhiệm vụ cho các sở ngành, quận, huyện nhiệm vụ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP. Cụ thể, các đơn vị phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 dự án để giải quyết 9 điểm ngập do mưa. Đó là dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Mai Thị Lựu, quận 1; nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (quận Tân Bình); cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định (quận Tân Bình)…
Hoàn thành dự án giải quyết chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều cường.
Bên cạnh đó, thi công hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 28/05/2020
05:50, 02/11/2019
06:45, 30/10/2019
13:25, 20/07/2019
05:03, 15/07/2019