Nhiều chuyên gia cho rằng, khi cuộc cạnh tranh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng khốc liệt, các công ty phương Tây nên rút ra bài học từ Trung Quốc.
>>Vì sao ứng dụng Trung Quốc thịnh hành ở Mỹ (bài 2)
Mặc dù không thể phủ nhận rằng Mỹ vẫn thống trị toàn cầu về AI, nhưng Trung Quốc đang đuổi theo sát nút do tỷ lệ áp dụng công nghệ cao, số hóa hàng loạt. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh hỗ trợ lên tới hơn 150 tỷ USD cho nghiên cứu AI và phát triển mô hình AI lớn nhất thế giới. Và quốc gia này đang sở hữu hơn 4,5 triệu sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mỗi năm.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số rào cản lớn. Theo Wikichip, tài trợ của khu vực tư nhân cho AI ở Trung Quốc chỉ đạt 13,5 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi con số này ở Mỹ là 47 tỷ USD. Chỉ 1,5% trang web trên toàn cầu bằng tiếng Trung, ít hơn rất nhiều so với con số 56% bằng tiếng Anh.
Một cuộc thống kê nhân tài AI cấp cao của Đại học Thanh Hoa cho thấy, có 232 nhân tài trong lĩnh vực này ở Trung Quốc, và ở Mỹ là 1.146. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chip máy tính nhập khẩu cũng đang là một vấn đề quan trọng trong việc phát triển AI, nhất là trong bối cảnh Washington đã bắt đầu tăng cường các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Nvidia và các nhà cung cấp khác.
Hiện tại, những thách thức này đang ngăn cản các công ty Trung Quốc cạnh tranh trong lĩnh vực phát triển AI tiên tiến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm việc tinh gọn hơn và đầu tư vào các giải pháp thiết thực để mở đường cho những tiến bộ trong tương lai có thể đưa năng lực AI của Trung Quốc sánh ngang với năng lực của các đối thủ tại Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, chiến lược này không phải là mới khi được áp dụng trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ. Nhưng điều thúc đẩy sự thành công của chiến lược này là lợi thế đổi mới toàn cầu của Trung Quốc và khả năng vô song của họ trong việc nhanh chóng áp dụng, mở rộng quy mô và thương mại hóa các công nghệ mới để giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà đất nước phải đối mặt.
Cụ thể, ông Benjamin Speyer, Giám đốc điều hành của Serica, một công ty tư vấn tài chính và công nghệ toàn cầu tập trung vào thị trường Trung Quốc chỉ ra, điều này diễn ra trong thanh toán di động, nơi hơn 90% dân số hiện đang thanh toán mọi thứ bằng siêu ứng dụng Alipay và WeChat. Hoặc gần đây hơn là khi BYD bất ngờ xuất hiện để đe dọa sự thống trị lâu nay của Volkswagen trên thị trường ô tô nội địa Trung Quốc, và Tesla trên thị trường xe điện toàn cầu nhờ vào các mẫu xe sáng tạo và công nghệ pin tiên tiến của công ty Thâm Quyến.
Những doanh nghiệp sản xuất xe điện khác của Trung Quốc đang làm rung chuyển thị trường xuất khẩu toàn cầu. Thật vậy, trong quý đầu tiên của năm, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.
>>Chuyển đổi số quốc gia - Kỳ 2: “Trung Quốc số” và khuyến nghị đối với Việt Nam
"Hết lần này đến lần khác, các công ty phương Tây đã bỏ qua hoặc đánh giá thấp lợi thế đổi mới của Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Các doanh nghiệp phương Tây bị lấn át ở thị trường các nước thứ ba và sau đó là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ trong chính thị trường nội địa của họ", ông Speyer nhận định.
Khi chiến lược này một lần nữa phát huy tác dụng với AI tạo sinh, thế giới sẽ chứng kiến vô số ứng dụng thực tế được tung ra thị trường Trung Quốc. Các ví dụ nổi bật bao gồm nhà bán lẻ trực tuyến JD.com ra mắt ChatJD vào tháng 2 để cung cấp cho người mua hàng các đề xuất được cá nhân hóa, và cung cấp cho người bán các công cụ quảng cáo và định giá thông minh tự động.
NetEase, công ty trò chơi lớn thứ hai thế giới, tung ra nền tảng mà khách hàng có thể sử dụng để sản xuất phần mềm đơn giản dựa trên lời nhắc bằng văn bản. Nhà điều hành công cụ tìm kiếm Baidu và nhà sản xuất ô tô Chiết Giang Geely Holding Group hợp tác phát triển phương tiện thông minh, với AI hỗ trợ giao diện người dùng, hỗ trợ lái xe và trợ lý giọng nói thông minh; và Tiger Brokers của Up Fintech Holdings giới thiệu trợ lý đầu tư được hỗ trợ bởi AI giúp phân tích dữ liệu thị trường và tạo thông tin chi tiết theo thời gian thực để hướng dẫn khách hàng đưa ra quyết định đầu tư.
Với việc nhiều chuyên gia AI rời bỏ các công ty công nghệ lớn để thành lập liên doanh riêng cùng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào tràn vào, dự kiến các ứng dụng sử dụng AI sẽ bùng nổ tại Trung Quốc trong tương lai gần.
Giới chuyên gia cho rằng, các công ty phương Tây có thể rút ra nhiều bài học từ các đối thủ Trung Quốc để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số trong bối cảnh AI
17:08, 06/07/2023
Vì sao ứng dụng Trung Quốc thịnh hành ở Mỹ (bài 2)
05:09, 02/07/2023
Ứng dụng Trung Quốc “xâm chiếm” Mỹ (bài 1)
05:06, 01/07/2023
"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi
04:00, 01/07/2023
Doanh nghiệp đóng tàu phương Tây tìm cách "né" Trung Quốc
15:49, 30/06/2023