Chúng ta nói nhiều về tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, song mức độ nghiêm trọng tới đâu thì số liệu của quý I vừa qua chưa thể phản ảnh đầy đủ...
Vì chỉ từ nửa cuối tháng 3 trở đi thì khủng hoảng y tế mới thực sự xảy ra ở châu Âu và Mỹ, từ đó gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Sóng thần” COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu
Ngày 20/1/2020, báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ có tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, ở mức 3,3%. Chưa đầy 3 tháng sau, vào ngày 14/4/2020, IMF đã đảo chiều dự báo khi cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái -3,0%. Chúng ta – những người đang sống – có lẽ chưa một ai từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nào diễn ra bất ngờ, thần tốc, và nghiêm trọng như lần này.
Vào cuối năm 2019, nhiều nhà kinh tế học đã đặt vấn đề khi nào suy thoái có tính chu kỳ sẽ xảy ra. Tất nhiên, không ai trong số họ có “quả cầu pha-lê” để thấy trước suy thoái lần này đến từ một nguyên nhân ngoài tầm dự đoán.
Đại dịch COVID-19 cũng rất khác các cuộc khủng hoảng trước đây vì tầm mức bao phủ toàn cầu. Nó còn có tính “hủy diệt” bởi dịch bùng phát vào giai đoạn dễ tổn thương nhất của nền kinh tế thế giới, khi mức độ kết nối toàn cầu ngày một dày đặc và rộng lớn. Không những thế, bản thân các nền kinh tế lớn lại đều đang gặp vấn đề cơ cấu về nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn, lãi suất âm v.v. Trong bối cảnh này, khủng hoảng y tế xảy ra khiến kinh tế toàn cầu suy thoái sâu hơn.
Khác với các cuộc suy thoái do dịch bệnh trước đây, thường chỉ khu trú một số khu vực, một số nền kinh tế rồi kết thúc nhanh, cuộc khủng hoảng lần này sẽ kéo dài ít nhất 12-18 tháng cho đến khi có vaccine. Kết cục cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mức độ và diễn biến dịch bệnh; hiệu lực và tốc độ của nỗ lực kềm chế dịch bệnh; hiệu lực và tốc độ phản ứng cứu trợ nền kinh tế của các quốc gia qua các biện pháp nhanh, chưa có tiền lệ.
3 cú sốc kinh tế + cú sốc kỳ vọng
Ở nhiều quốc gia – như Ý, Anh, Mỹ chẳng hạn – khủng hoảng y tế dẫn đến đến khủng hoảng kinh tế như sau:
Nếu Chính phủ các quốc gia lựa chọn không can thiệp gì thì cuộc khủng hoảng y tế sớm hay muộn cũng sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế. Khi ấy, vì can thiệp quá muộn nên để ngăn chặn dịch, phải cần đến các biện pháp phong tỏa cực đoan, mà hệ quả tất yếu là cả nền kinh tế bị phanh gấp, dẫn đến tình trạng đóng băng và đổ vỡ.
Nếu Chính phủ có các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa thì có thể làm phẳng đường cong miễn dịch, nhưng đồng thời có hệ quả là hạ thấp hơn nữa mức độ suy thoái kinh tế. Nói cách khác, hệ quả tất yếu của ngăn chặn dịch bệnh là suy giảm kinh tế - chúng như 2 mặt của một đồng xu, không thể tách rời nhau được.
Khi thực hiện cách ly xã hội hay phong tỏa để chống dịch, doanh nghiệp khó khăn do không có nguyên liệu sản xuất, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, dẫn đến thua lỗ. Doanh nghiệp khó khăn sẽ buộc phải sa thải lao động, hoặc cho người lao động nghỉ không lương, giãn việc làm. Hệ quả là khu vực hộ gia đình giảm thu nhập, giảm tiêu dùng tạo, từ đó tạo vòng xoáy đi xuống. Không những thế, khi tiết kiệm của nền kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cạn kiệt thanh khoản và tài chính, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Có thể bạn quan tâm
11:36, 30/04/2020
11:01, 30/04/2020
11:00, 30/04/2020
11:00, 30/04/2020
06:07, 30/04/2020
07:30, 26/02/2020
06:00, 25/02/2020
06:00, 24/02/2020
11:00, 22/02/2020
Nói một cách ngắn gọn, cú sốc y tế đang dẫn đến 3 cú sốc kinh tế, bao gồm (i) sốc tổng cầu với tiêu dùng và đầu tư giảm; (ii) sốc tổng cung do gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguyên liệu do cách ly xã hội; (iii) sốc mất cân đối tài chính ở cả cấp độ hộ gia đình, doanh nghiệp, và chính phủ.
Ngoài ra còn có một cú sốc khác ít được nhắc tới, nhưng hết sức quan trọng là cú sốc kỳ vọng. Khi người dân và doanh nghiệp chịu ba cú sốc kinh tế, họ sẽ rất dễ trở nên bi quan. Nếu số lượng và mức độ bi quan đủ lớn thì có thể sẽ dẫn đến đổ vỡ dây chuyền. Trong bối cảnh này, Chính phủ đóng vai trò chủ chốt để duy trì kỳ vọng và không để xảy ra đổ vỡ dây chuyền bằng cách giảm tác động của 3 cú sốc kinh tế nêu trên.
Tác động đại dịch tới nền kinh tế Việt Nam: Quý II mới “thấm”
Tất cả các nền kinh tế đều chịu tác động của COVID-19, nhưng tùy đặc tính cụ thể nên sẽ có mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng khác nhau.
Việt Nam có bất lợi của nền kinh tế mở và nhỏ, phụ thuộc rất nhiều về cả nhu cầu và nguồn cung bên ngoài. Vào quý II, khi tất cả các nền kinh tế lớn đều suy thoái, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào FDI, khu vực đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 20% ngân sách. Khi các nền kinh tế lớn thấm đòn thì FDI vào Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Khu vực nông nghiệp của Việt Nam cũng đang chịu những khó khăn theo vùng miền do biến đổi khí hậu, xâm nhập hạn mặn… Sức chịu đựng của khu vực này trước các cú sốc ngoại sinh trở nên càng kém hơn.
Cuối cùng là mặc dù chúng ta có những gói hỗ trợ quy mô lớn, tương đương 10% GDP, được ban hành kịp thời, nhưng đáng tiếc là do cơ chế dẫn truyền chính sách chậm nên có thể làm giảm tác dụng của các hỗ trợ này.
Không chỉ có bất lợi, Việt Nam cũng có một số thuận lợi khi đối diện với đại dịch. Ba năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt, nhờ vậy chúng ta ở vị thế tương đối vững vàng trước khi dịch tới. Thế nhưng, vì COVID-19 là cơn sóng thần, nên dù vị thế của nền kinh tế tốt hơn trước thì dù có trụ được thì vẫn sẽ rất khó khăn.
Kết thúc quý I, các chỉ số kinh tế - từ tăng trưởng GDP đến xuất khẩu, từ thành lập doanh nghiệp đến thất nghiệp - đều cho thấy tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Một lần nữa, gánh nặng đặt lên vai Chính phủ, làm thế nào để các gói hỗ trợ được triển khai thật kịp thời, đúng mục tiêu, và hiệu quả nhất để vừa giữ gìn được sinh mạng, đồng thời duy trì được sinh kế của người dân và doanh nghiệp.
Động lực của kinh tế
Thế giới hậu COVID-19 sẽ rất khác so với thế giới chúng ta đã từng biết trước đây chỉ vài tháng. Nhiều xu thế trước đây mới chỉ manh nha hay ở bên lề thì sau đại dịch sẽ trở thành chủ đạo, các nước lớn sẽ không xích lại gần nhau mà trái lại mâu thuẫn sẽ ngày càng găy gắt và có tính đối kháng hơn, cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ khác trước. Trong bối cảnh này, chỉ có trau dồi nội lực mới có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trước vô vàn sự bất định đang chờ phía trước.
Việc xây dựng và phát huy nội lực này trước hết phụ thuộc vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với khủng hoảng y tế - nếu chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, vẫn duy trì được lực lượng doanh nghiệp không bị sứt mẻ quá nhiều và giữ được niềm tin của người dân – thì đó là những tiền đề vững chắc để hồi phục.
Sau đó, nếu đạt được các mục tiêu về hạ thấp đường cong nhiễm dịch, giữ được sức sống nền tảng, thì động lực để kinh tế Việt Nam vươn lên là:
Thứ nhất, đại dịch và những tác động của nó không chỉ là thách thức, chúng đồng thời là cơ hội giúp chúng ta đánh giá một cách cặn kẽ tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, nhận diện đầy đủ những điểm yếu nghiêm trọng nhất được bộc lộ qua cuộc khủng hoảng này, phân tích những xu thế kinh tế - chính trị quốc tế nổi bật hậu Covid. Trên cơ sở những hiểu biết này, tiến hành những cải cách đồng bộ và nhất quán hệ thống thể chế kinh tế thị trường, khắc phục những điểm nghẽn đang tồn tại thì mới khai thông được các động lực mới của nền kinh tế. Muốn phát triển nền kinh tế, cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết hàng đầu.
Thứ hai, chắc chắn động lực của nền kinh tế phải là khu vực tư nhân, hiện đang chiếm 98% lực lượng doanh nghiệp và tạo ra phần lớn việc làm trong khu vực chính thức của Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua kinh tế tư nhân vẫn chưa được đối xử bình đẳng so với các khu vực kinh tế khác. Cuộc khủng hoảng lần này càng cho thấy rõ nội lực quan trọng đến nhường nào, và do đó cần có định hướng ưu tiên phát triển nội lực cho khu vực kinh tế chủ lực này.
Thứ ba, năng lực của chuỗi cung ứng, của nền tảng công nghiệp quốc gia đóng vài trò then chốt trong thời kỳ hậu COVID-19. Chỉ bằng cách bỗi dưỡng các nền tảng này bằng cách nhanh chóng và chủ động chuẩn bị tận dụng các cơ hội mới từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, từ sự thay đổi cấu trúc kinh tế - tài chính – thương mại toàn cầu thì Việt Nam mới có cơ hội thoát khỏi vị thế “bên lề” chuỗi cung ứng toàn cầu, thoát cảnh trâu chậm uống nước đục.
Thứ tư, chuyển đổi số, dữ liệu lớn, công nghệ thông tin... chắc chắn sẽ ngày càng đóng vai trò quyết định trong sự thành công của mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, bên cạnh áp dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, thì công nghệ hóa, công nghiệp hóa và thị trường hóa nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu Việt nam có thể sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp với công nghệ cao và bền vững về môi trường, thì nền nông nghiệp sẽ tiếp tục làm “bệ đỡ giảm sốc” cho nền kinh tế trong nhiều thập niên tiếp theo.