Cơ hội để Việt Nam tăng trưởng GDP ở giai đoạn hiện tại chính là tăng trưởng năng suất lao động thực.
Và một trong những yếu tố để tăng trưởng năng suất lao động thực TFP (Total Factor Productivity) nhanh nhất chính là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ bằng việc tạo thị trường vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Mặc dù thị trường vốn đầu tư từ Việt Nam cho chính các công ty Startup Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất hạn chế, tiềm năng phát triển của các Startup Việt Nam ngày càng được minh chứng nhiều hơn thông qua gần 100 các thương vụ đầu tư lớn nhỏ mỗi năm từ các quỹ đầu tư lớn trong khu vực và trên thế giới trong vòng 2 năm trở lại đây.
Đặc thù của mô hình đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người, những con người dám làm dám chịu, dám thay đổi, chấp nhận thử nghiệm cái mới, chấp nhận thất bại để đạt được thành công đột phá.
Việc đầu tư vào con người và các hoạt động của nhóm người đó nhằm khảo sát đánh giá thị trường, thử nghiệm sản phẩm và có thể cả công nghệ mới... Thực chất đây là khoản chi phí mà chưa chắc đã đem lại được doanh thu hay lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 24/09/2019
05:00, 23/09/2019
09:00, 22/09/2019
05:00, 22/09/2019
12:14, 18/09/2019
06:55, 17/09/2019
06:10, 16/09/2019
11:15, 13/09/2019
13:00, 02/09/2019
05:30, 20/08/2019
Tại Mỹ đã tổng kết việc đầu tư mạo hiểm chỉ có thể thành công được 10%, như vậy việc mất đi 90% gần như tất yếu. Do đó, việc kêu gọi tư nhân tự đầu tư vào Startup là vô cùng khó khăn, bởi chúng ta chưa quen với việc chấp nhận thất bại.
Rất nhiều Startup Việt Nam đã chứng minh năng lực và tiềm năng của mình so với các Startup khác trong khu vực và được định giá tỷ đô với những thương vụ đầu tư bạc tỷ. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, văn hóa đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam dù đã bắt đầu nhen nhóm nhưng vẫn còn rất sơ khai.
Thực tế, thị trường Việt Nam trong 3 năm trở lại đây đã và đang là một thị trường giàu tiềm năng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Năm 2016, cả Việt Nam có 50 thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, với tổng giá trị lên tới 205 triệu đô la Mỹ, phần lớn nguồn vốn đầu tư này đến từ các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài.
Tới năm 2017, với 92 thương vụ đầu tư, tổng số tiền đầu tư cho thị trường đầu tư mạo hiểm đã tăng lên 291 triệu đô la, và 84% số vốn đầu tư đó là đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2018, cùng con số 92 thương vụ đầu tư, nhưng giá trị đầu tư đã đạt con số 889 triệu đô la, tương đương gấp 3 lần so với năm 2017. Tuy không có thống kê chính xác về số thương vụ được đầu tư bởi các quỹ đầu tư trong nước, nhưng nếu không tính đến các thương vụ mua đi bán lại của các công ty, ước tính tỷ lệ nguồn vốn đầu tư đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng xấp xỉ 80% như năm 2017.
Nhìn vào con số này và đánh giá ở một khía cạnh khác, Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội đầu tư phát triển công nghệ vì đa phần Startup Việt Nam đang được các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tài trợ vốn. Chưa tính tới yếu tố lợi nhuận, điều này đã dẫn tới những thiệt khòi khác như sau:
Một số startup lớn ở Việt Nam mặc dù sáng lập viên là người Việt Nam, được sáng lập ở Việt Nam, nhưng không ít trong số họ thực chất đều là các doanh nghiệp con có công ty mẹ đặt ở Singapore.
Không có startup nào ở Việt Nam khi thành lập ra đã mở bên Singapore nhưng trong quá trình phát triển và cần gọi vốn, họ không có đối trọng nào ở Việt Nam để đàm phán với các quỹ đầu tư nước ngoài, do đó nhà đầu tư có thể dễ dàng yêu cầu họ thành lập lại doanh nghiệp ở Singapore. Sau cùng, Việt Nam lại không có quyền sở hữu gì với các doanh nghiệp này.
Sau cùng, Việt Nam với lợi thế gần 100 triệu dân và GDP đang tăng trưởng nhanh hàng năm, chúng ta sẽ rất sớm trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các doanh nghiệp nhắm tới, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần có phương pháp hiệu quả để giữ lại các khoản thu thuế cũng như giữ được các tài sản lớn là các Startup tỷ đô.
Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam 2 vấn đề lớn đó là sớm soạn thảo và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước để kêu gọi đồng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu.
Chúng ta nhận thấy hiện trạng của Việt Nam đang thiếu nhà đầu tư ở giai đoạn vốn gieo mầm từ 10 nghìn đến 500 nghìn đô la trong khi gần như toàn bộ Startup ở Việt Nam đều nằm ở giai đoạn này. Một khi các Startup đã phát triển vượt qua ngưỡng nửa triệu đô la có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào thị trường Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới. Khi bắt đầu tham gia đầu tư trong thị trường Startup, các quỹ Chính phủ cần lưu ý những điểm sau để lựa chọn quỹ đồng đầu tư:
Những người quản lý quỹ có đầu tư tiền của mình vào quỹ hay không? (nhà đầu tư khi đầu tư vào quỹ quan tâm tới vấn đề này để đánh giá sự quyết tâm của những người quản lý quỹ). Đội ngũ quản lý quỹ đã đầu tư bao nhiêu công ty? Tỷ lệ thành công và thất bại?
Các công ty/tổ chức lớn thành lập quỹ, đây là dấu hiệu tích cực cho hệ sinh thái Startup. Nếu quy mô của quỹ không bằng các mảng kinh doanh khác của doanh nghiệp thì sẽ không được tập trung các nguồn lực tốt nhất cho hoạt động này.
Một số tiêu chí mà các quỹ đầu tư mạo hiểm cần đáp ứng và tuân thủ khi được Chính phủ lựa chọn quản lý quỹ:
Để có thể mở rộng mạng lưới nhà đầu tư tư nhân, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng đầu tư, Chính phủ nên có những gói tài chính dành riêng cho việc đầu tư mạo hiểm kết hợp với một số tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp và để họ quản lý phần vốn này.
Chính phủ đóng vai trò tài trợ vốn, không nên cử người tham gia vào Hội đồng quản trị của từng công ty khởi nghiệp, bởi việc quản lý này sẽ không phải là sở trường của những người làm chính sách.
Tư nhân cùng bỏ vốn đầu tư họ có quyền lợi sẽ lo bảo toàn và phát triển nguồn vốn của họ, họ vừa có kinh nghiệm hơn lại có đội ngũ quản lý, thẩm định đầu tư chuyên nghiệp hơn, họ biết khi nào là thời điểm nên đầu tư và thời điểm nào nên thoái vốn để thu lời.
Tỷ lệ vốn đề xuất mà Chính phủ nên tham gia đầu tư là 1/3 tổng số vốn của mỗi quỹ đầu tư, với con số tối thiểu nên đầu tư cho mỗi quỹ là 10 triệu đô la, với điều kiện quỹ kêu gọi được 2/3 tổng số vốn còn lại từ nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.
Điều đó tương ứng với việc, cứ mỗi 10 triệu đô la Mỹ vốn đối ứng mà Chính phủ đầu tư, mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ kêu gọi thêm tối thiểu 20 triệu đô la từ tư nhân để đầu tư cho các startup Việt Nam.
Nhóm chuyên gia VSV đề xuất Chính phủ đầu tư vào tối thiểu 5 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Trong trường hợp cần thí điểm 1 quỹ đầu tư để thử nghiệm và kiểm chứng hiệu quả của mô hình này, chúng tôi đề xuất ứng cử VSV.
Để thử nghiệm mô hình về Đầu tư mạo hiểm, nhóm chuyên gia VSV đã liên tục, tuyển chọn và đầu tư vốn gieo mầm, đến nay đã đầu tư 75 nhóm, 40 trong số đó đang hoạt động tốt và 20 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo.
Hiện, VSV đã trở thành địa điểm của cộng đồng đầu tư quốc tế, các tổ chức phi chính chủ của các nước có hệ thống đầu tư mạo hiểm phát triển.
Nói như vậy để thấy, chưa xét đến hiệu quả lợi nhuận của việc đầu tư, mà chỉ cần mỗi quỹ kêu gọi thêm gấp hai lần số vốn đầu tư từ tư nhân và nước ngoài thì cũng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Tỷ lệ này còn chưa xét đến tính chất của đầu tư mạo hiểm là các quỹ thường chia sẻ các thương vụ đầu tư tiềm năng với nhau, nên từ 10 triệu đô la mà Chính phủ Việt Nam đầu tư ban đầu, các quỹ thậm chí còn có khả năng kêu gọi được lên tới 100 triệu đô la từ các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, nếu Chính phủ tiên phong trong việc xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, các Startup Việt Nam sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương của mình, và Việt Nam sẽ giữ lại được tất cả những Startup triệu đô trong tương lai.