Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, trong đó sẽ có dòng vốn FDI lớn vào lĩnh vực bán dẫn.
Đó là chia sẻ của ông Andreas Vogelsanger, CEO của Asia Frontier Capital tại thị trường Việt Nam khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về triển vọng này.
Theo tôi, mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là tương đối thận trọng. Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn trong năm nay. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào ngày 2/9 đã nêu ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7%. Và sau khi xem xét, tôi thấy các số liệu kinh tế vĩ mô quý 2/2024 của Việt Nam được công bố mạnh hơn nhiều so với hầu hết mọi người dự báo.
Theo tôi, tăng trưởng GDP của Việt Nam thực sự đang cho thấy một số động lực tích cực. Một mặt, các chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ trong vài năm qua một phần nào đã dẫn đến việc thu thuế cao hơn nhiều. Điều đó đang giúp ích cho các dự án cơ sở hạ tầng công mà đất nước đang triển khai. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt được 6,5%.
Nếu các yếu tố khác thuận lợi hơn, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể cao hơn. Một nghiên cứu được thực hiện về tổng quan kinh tế Đông Nam Á năm nay đã dự kiến trong giai đoạn từ 2024-2034, Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6,5%. Điều đó thể hiện rằng các nhà đầu tư thực sự đang nhìn nhận Việt Nam bằng con mắt tích cực, rằng đất nước này có khả năng phát triển với tốc độ nhanh chóng trong tương lai.
Trong báo cáo gần đây nhất, chúng tôi dự đoán giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam đã bắt đầu sau 2 năm khó khăn vừa qua – giai đoạn thị trường chứng khoán và bất động sản hoạt động rất kém.
Tuy nhiên, trong 4 tháng vừa qua, xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại và Việt Nam cũng chuẩn bị đón nhận những tin tốt từ bên ngoài. Dự kiến năm 2025, FTSE có thể nâng cấp Việt Nam từ thị trường chứng khoán cận biên lên thị trường mới nổi. Dù chưa rõ ràng về việc nâng cấp của MSCI, nhưng đây rõ ràng là dấu hiệu rất tích cực cho thị trường vốn của Việt Nam.
Tất nhiên, nguy cơ vẫn luôn hiện diện ở mọi nơi. Rủi ro địa chính trị trên toàn cầu đang ở mức rất cao, cùng với những bất ổn khác đang khiến nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu lo lắng. Dù vậy, tôi nghĩ Việt Nam vẫn sẽ ổn miễn là căng thẳng địa chính trị không leo thang.
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có thể tác động đáng kể tới Việt Nam.
Nhìn vào thời gian ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ, ông ấy thực sự đã gây áp lực lên Việt Nam phải nhập khẩu một số hàng hóa từ Mỹ. Bởi trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam đang là nước xuất siêu, và nếu tái đắc cử ông Trump sẽ quay trở lại áp lực này. Song tôi cho rằng cuộc đối đầu thương mại chủ yếu vẫn là giữa Mỹ và Trung Quốc, nơi Việt Nam có thể hưởng lợi.
Về việc dòng vốn ngoại gần đây rút ra khỏi Việt Nam, tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nước ngoài có chút lo lắng về những thay đổi gần đây của Việt Nam. Nhưng khi xem xét kỹ, đây lại là điều khá bình thường. Tôi nghĩ dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam sẽ chứng kiến dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào với tốc độ kỷ lục. Đang có một câu chuyện dài hạn hơn về chất bán dẫn, nơi Việt Nam có thể trở thành một trung tâm chất bán dẫn của khu vực.
Nhiều công ty trong ngành này rất nghiêm túc trong việc thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam. Nvidia hiện đang nghiên cứu xem họ có muốn đến Việt Nam hay không. Intel đã hiện diện tại đây với những khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Mỹ cũng đang thúc đẩy các hoạt động giáo dục với các nước như Việt Nam để đào tạo nhân lực về kiến thức bán dẫn.
Hay Samsung đang là công ty có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, họ không chỉ tập trung vào điện thoại di động, mà còn vừa thành lập một trung tâm sản xuất chất bán dẫn. Tất cả những điều này thực sự có ý nghĩa.
Chất bán dẫn là một câu chuyện tuyệt vời đối với Việt Nam khi nói đến việc vươn tới đỉnh cao của chuỗi giá trị, nơi Việt Nam sản xuất những sản phẩm với chất lượng hàng đầu. Và nếu Việt Nam có thể làm điều đó ở quy mô lớn, sẽ giúp ích rất nhiều cho đất nước.
Bên cạnh đó, thị trường vốn cũng có triển vọng tích cực như tôi đã đề cập tới triển vọng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi. Dù thị trường tài chính ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu, nhưng điều này không hoàn toàn tiêu cực. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam cũng có thể “nhảy cóc” rất nhiều quy trình và không cần phải mắc phải những sai lầm giống như các quốc gia khác đã từng trải qua trên con đường đi lên.
- Trân trọng cảm ơn ông!