Nếu lạm phát vẫn kiểm soát tốt, NHNN tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay là phù hợp.
>>> NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2%
Hạn mức tín dụng cho nền kinh tế năm 2022, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tối đa 14%. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế đang thiếu vốn, cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào động thái nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) của NHNN.
Các nghiên cứu trên thế giới và trong nước chỉ ra 3 điều kiện để sử dụng công cụ nới room tín dụng gồm: Một là, tốc độ cung tín dụng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng quá nóng, có nhiều rủi ro cho các ngành kinh tế. Hai là, do tín dụng tập trung quá mức vào một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán có thể tạo ra bong bóng tài chính cho nền kinh tế. Ba là, để kiểm soát các ngân hàng yếu kém trong quá trình tăng trưởng tín dụng.
Trong bối cảnh hiện nay, đang nổi lên sự mâu thuẫn giữa kiểm soát lạm phát qua việc sử dụng hạn mức tín dụng, với việc cần hỗ trợ khẩn cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Nếu theo đuổi mục tiêu lạm phát thì việc kiểm soát nguồn cung vốn cho nền kinh tế sẽ bị hạn chế, dẫn đến khó thúc đẩy tổng cầu và đầu tư vốn cho phát triển. Ngược lại, tăng trưởng nhanh về vốn để thúc đẩy phục hồi kinh tế thì cũng có thể dẫn tới đe dọa về lạm phát. Trong khi kênh chuyển tải của chính sách tiền tệ gồm kênh lãi suất, kênh tín dụng, kênh giá tài sản thì sử dụng công cụ hạn mức tín dụng là mạnh mẽ, trực tiếp nhất đối với cung vốn cho nền kinh tế.
Song, rủi ro lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp và nền kinh tế là thanh khoản. Các doanh nghiệp đều ngập trong trạng thái thiếu vốn nhưng không tiếp cận được, còn ngân hàng không cho vay là do hết “room” tín dụng. Từ đây vòng xoáy nợ đang cuốn đi mọi thứ.
>>>Xoá bỏ cơ chế hạn mức tín dụng, bao giờ?
Chúng ta phải tránh tình trạng này, vì quy mô thị trường tài chính ngày nay đã trở nên rất lớn, rất phức tạp, khác xa giai đoạn 2009-2011. Tổng quy mô thị trường tài chính hiện khoảng 30 triệu tỷ đồng bao gồm dư nợ ngân hàng, trái phiếu chính phủ, nợ của chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp… Trong số đó, riêng nợ ngân hàng đã hơn 11 triệu tỷ đồng. Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh vay vốn chủ yếu cho doanh nghiệp, vì thế, không thể để xảy ra tình trạng mất thanh khoản.
Đáng chú ý thời gian vừa qua, NHNN không bơm tiền ra mà liên tục mua ngoại tệ, rồi lại hút tiền về qua OMO bằng phát hành tín phiếu, bắt các ngân hàng thương mại mua tín phiếu theo tuần, tháng thì đương nhiên tiền sẽ không nằm trong lưu thông. Khi NHNN chặn bơm tiền ra nền kinh tế, các ngân hàng thương mại chỉ còn đường huy động vốn từ nền kinh tế. Hệ lụy là các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất cao.
Yêu cầu hạ mặt bằng lãi suất từ 0,5-1% trong nghị quyết điều hành của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là không thể thực hiện được. Cứ nhìn vào thực tế, lãi suất huy động hiện nay đã bị đẩy lên trên 7-8%, thậm chí cao hơn, còn lãi suất cho vay cũng đã bị nhích lên đáng kể.
Dù lãi suất tiền gửi đã tăng nhưng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay không tăng nhiều. Nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn trong khi ngân hàng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Hay nói cách khác, có hiện tượng khan vốn, có thể dòng tiền trong dân cư đang chảy vào vàng và ngoại tệ mạnh.
Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu. Đặc biệt, một nguồn tiền khác là chi tiêu công lại không đẩy ra được. Minh chứng rõ nhất là gần 900 ngàn tỷ đồng ngân sách đang "nằm yên" trong ngân hàng cho thấy lỗi của sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công đến từ nhiều phía.
Do đó, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Trước hết, lạm phát của Việt Nam không quá cao. Với nền kinh tế tăng trưởng cao như vậy, cần xem lại việc đặt chỉ tiêu lạm phát ở mức 4%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 7-8% thì lạm phát khoảng 5% không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Như vậy, nếu lạm phát vẫn kiểm soát tốt thì tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay như NHNN vừa triển khai là phù hợp. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm.
Có thể bạn quan tâm