Chính trị - Xã hội

Vốn đầu tư công không thể tiếp tục “ngủ đông”

Minh Phong 13/07/2025 18:15

Còn tới 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được giải ngân trong nửa cuối năm, một khối lượng rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ có thể chậm trễ, dồn ứ và lãng phí nguồn lực.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, gần 270.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đã được giải ngân, tương đương khoảng 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh nỗ lực đáng kể trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục, cải thiện giải phóng mặt bằng, và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, niềm vui ấy vẫn chưa thể trọn vẹn. Phía sau con số tăng trưởng là một thực tế đáng suy ngẫm: đến cuối năm, Việt Nam vẫn còn khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được giải ngân, một khối lượng khổng lồ, mà nếu không được "bắt nhịp" kịp thời sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn: chậm trễ - dồn ứ - lãng phí.

dautucong.jpg
Dự án đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được kỳ vọng khi tuyến cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa hoàn thành sẽ tiếp tục kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Dự án nằm im, cơ hội cũng nằm im

Tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 diễn ra ngày 8/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn chỉ ra một thực trạng đáng lo: cả nước hiện có tới 2.887 dự án đang vướng mắc với tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỷ USD, liên quan đến hơn 347.000 ha đất. Đây không còn là con số đơn thuần, mà là lời cảnh báo mạnh mẽ về hiệu quả quản trị, điều hành đầu tư công.

Để dễ hình dung, tổng vốn của các dự án này gần bằng một nửa GDP năm 2024 của Việt Nam (476,3 tỷ USD). Nghĩa là, có tới hàng trăm tỷ USD đang “nằm yên” dưới dạng tài sản chết, không tạo ra giá trị, trong khi cả nền kinh tế đang khát vốn, khát cơ hội tăng trưởng. Cái giá phải trả không chỉ là lãng phí ngân sách mà còn là những "chi phí cơ hội" khổng lồ mà nền kinh tế đang đánh mất từng ngày.

Không có dự án đầu tư công nào ra đời chỉ để... có mặt trên giấy. Đằng sau mỗi con đường, cây cầu, khu công nghiệp, là mong mỏi thúc đẩy hạ tầng, cải thiện dịch vụ công, tạo lan tỏa phát triển vùng. Nhưng khi một dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm, hệ quả không chỉ là tiền bị chôn, mà cả nhân lực, thiết bị, quỹ đất cũng bị “treo” theo. Chuỗi cung ứng bị tắc, người dân mất sinh kế, nhà đầu tư nản lòng.

Việc Trung ương xác định “chống lãng phí” là một trong ba mặt trận trọng yếu bên cạnh phòng chống tham nhũng và tiêu cực là định hướng đúng đắn. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều vụ án liên quan đến thất thoát tài sản công được khởi tố, cho thấy quyết tâm chính trị rất rõ ràng. Nhưng xử lý vi phạm chỉ là phần ngọn. Phần gốc nằm ở chỗ: quy hoạch chậm, phê duyệt chậm, giải ngân chậm, quản lý dàn trải, thiếu trách nhiệm cá nhân cụ thể.

Muốn tăng trưởng hai chữ số, không thể để vốn “ngủ đông”

Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức từ 8% trở lên và hướng tới hai con số trong các năm sau. Nhưng sẽ là nghịch lý nếu trong khi chính phủ cố gắng kích cầu, thúc đẩy đầu tư, thì hàng nghìn dự án vẫn “trùm mền” bất động. Trong khi đó, đầu tư công chính là “mồi lửa” kích thích tiêu dùng, tăng trưởng và thu hút đầu tư tư nhân.

Nếu vốn đầu tư công không được giải ngân hiệu quả, không những chính sách tài khóa mất tác dụng, mà còn tạo ra hệ quả lan truyền: niềm tin của nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, sẽ bị bào mòn. Tăng trưởng vì thế cũng chỉ là mục tiêu trên giấy.

Cần một đợt tổng rà soát toàn diện các dự án đầu tư công đang “đứng hình” trên cả nước. Mỗi dự án phải được phân loại rõ theo nguyên nhân: vướng pháp lý, thiếu vốn đối ứng, không còn phù hợp quy hoạch, hay năng lực chủ đầu tư yếu. Với những dự án còn khả thi, phải mạnh dạn tái cấu trúc, điều chỉnh mô hình đầu tư, đổi mới phương thức quản lý. Ngược lại, nếu dự án đã không còn giá trị thực tiễn, cần dứt khoát loại bỏ khỏi danh mục – càng sớm càng tiết kiệm chi phí xã hội.

Cùng với đó, thể chế phải được hoàn thiện theo hướng rõ trách nhiệm – sát thực tế – ràng buộc cam kết. Mỗi đồng vốn công cần được “gắn địa chỉ”, có tiến độ cụ thể, và trách nhiệm cá nhân rõ ràng đi kèm.

Không thể tiếp tục tình trạng vừa phê duyệt đầu tư ào ạt, vừa để dự án "đắp chiếu" vì thiếu đồng bộ, thiếu kết nối và thiếu năng lực triển khai. Một đồng vốn đầu tư công nếu được rót đúng nơi, đúng lúc, đúng người, có thể mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ngược lại, nếu lãng phí, sẽ gây tổn thất không chỉ về vật chất mà cả về uy tín chính sách và cơ hội phát triển quốc gia.

Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn chuyển mình quan trọng. Những cú hích từ đầu tư công là cần thiết để kích hoạt tăng trưởng. Nhưng nếu để vốn rót ra rồi chảy tràn hoặc ứ đọng, thì không khác nào đổ nước vào thùng thủng.

Muốn đạt được đỉnh cao tăng trưởng bền vững, đầu tiên phải khắc phục triệt để lãng phí. Và để làm được điều đó, cần quyết tâm từ trên xuống, sự minh bạch từ cơ sở, và một hệ thống giám sát, quản trị thực thi hiệu quả, không khoan nhượng với trì trệ. Chỉ khi đó, từng đồng vốn đầu tư công mới thực sự “sống”, sinh lời và lan tỏa giá trị cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vốn đầu tư công không thể tiếp tục “ngủ đông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO