Mặc dù một số quốc gia thận trọng hơn với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhưng số tiền của quốc gia này đổ vào "Vành đai và Con đường" (BRI) đã tăng 30% lên mức cao kỷ lục 20,1 tỷ USD trong năm 2017.
Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án trong khuôn khổ BRI tại 64 quốc gia trong năm 2017, mức đầu tư này đã vượt qua mức cao trước đó là 18,9 tỷ USD năm 2015. Nhiều chuyên gia cho rằng, kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ trong năm nay khi mức đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia nằm trong BRI đã tăng 12% lên mức 9,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018, mặc dù một số quốc gia, như Malaysia, Pakistan... đã ngừng một số dự án với Trung Quốc.
Trong khi đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ra nước ngoài lại giảm 19% trong năm 2017 xuống mức 158,2 tỷ USD. Đặc biệt, lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2017 đã giảm 1/3 so với năm 2016, do Washington “cảnh giác” với các thương vụ M&A từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hạn chế đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và giải trí nhằm kiểm soát tốt hơn dòng vốn của mình.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những số liệu nói trên cho thấy, sự vay mượn quá mức của một số quốc gia từ Trung Quốc trong sáng kiến BRI. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhận định: “Nếu các nước vay mượn quá nhiều để phát triển hạ tầng mà không xem xét nghiêm túc tính khả thi và khả năng sinh lợi thì vấn đề trả nợ sẽ vấp phải nhiều rắc rối hơn".
Lời cảnh báo của lãnh đạo ADB cũng trùng với những lo ngại của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – bà Christine Lagarde về các chính sách tài chính rủi ro. Bà Lagarde cho rằng: "Những nước có mức nợ công cao cần thận trọng với điều khoản vay nợ. Điều đó sẽ bảo vệ cả Trung Quốc và các nước đối tác khỏi những rủi ro có thể gây ra khó khăn tài chính trong tương lai".
Trong khi một số quốc gia đang phát triển xem BRI như là một cách để trang trải các chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc lại bị chỉ trích khi hầu hết các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các quốc gia này đều dưới dạng các khoản vay ODA với lãi suất cao, khiến một số quốc gia không có khả năng trả nợ, phải nhượng quyền sử dụng dài hạn một số công trình chiến lược cho Trung Quốc khai thác. Trong đó Sri Lanka là một ví dụ điển hình khi quốc gia này buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng lại Hambantota trong 99 năm để trừ dần nợ vay cho Trung Quốc.