Vốn FDI ngày càng "dày" qua "cửa" M&A

Nha Trang 26/11/2018 16:05

Con đường mua bán và sáp nhập (M&A) những công ty có sẵn là con đường ngắn và hiệu quả nhất giúp các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Dòng vốn chảy mạnh

Chia sẻ với báo giới hồi tháng 8/2018, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng, thị trường Việt Nam được đánh giá là môi trường hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong năm nay và các năm kế tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm hiểu và mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/10/2018, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 10 tháng qua, có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 6,3 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép đạt 6,855 tỷ USD (chiếm 45,6%), kinh doanh bất động sản đạt 5,1 tỷ USD, các ngành còn lại đạt 3 tỷ USD, chiếm 20,4%.

Lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn thông qua M&A đang là xu thế bởi hình thức đầu tư này giúp rút ngắn thời gian triển khai đầu tư tại Việt Nam vì không phải trải qua các thủ tục thành lập doanh nghiệp, vừa tận dụng được những cơ hội hấp dẫn từ M&A mang lại.

Hiện nay, 4 quốc gia đang dẫn đầu thị trường M&A tại Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều thương vụ đã nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đóng góp lớn nhất vào nguồn vốn trong lĩnh vực này là khu đô thị thông minh của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) với vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, trên diện tích 272ha. Thương vụ GIC đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes dưới hình thức mua cổ phần và cho vay để thực hiện dự án cũng gây chú ý thị trường thời gian qua.

Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm quỹ đất ở địa phương, tìm đối tác đầu tư. Mới đây, 14 tập đoàn đa quốc gia từ Hong Kong, Mỹ, Ireland, Đức, Thái Lan... đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đồng Nai.

Tiềm năng lớn

Kết quả khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC) trước thềm hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 26 diễn ra tuần qua tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea cho thấy, có 51% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC đang có kế hoạch nâng mức đầu tư cao hơn tỷ lệ 43% cách nay 2 năm. Những nơi thu hút đầu tư nhiều nhất trong khu vực APEC là Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Australia và Thái Lan.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp FDI tích cực bảo vệ môi trường

    Doanh nghiệp FDI tích cực bảo vệ môi trường

    13:31, 26/11/2018

  • Tính bền vững là một yếu tố quyết định trong thu hút FDI của các nền kinh tế châu Á

    Tính bền vững là một yếu tố quyết định trong thu hút FDI của các nền kinh tế châu Á

    00:26, 24/11/2018

  • Tính bền vững là yếu tố quyết định thu hút FDI của các nền kinh tế châu Á

    Tính bền vững là yếu tố quyết định thu hút FDI của các nền kinh tế châu Á

    16:05, 23/11/2018

  • Cơ hội cho dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam hậu thông qua CPTPP

    Cơ hội cho dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam hậu thông qua CPTPP

    02:57, 14/11/2018

Trong đó, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu năm thứ hai liên tiếp khi có đến 46% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực chọn đầu tư vào Việt nam. Các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU, FTA giữa ASEAN và Hong Kong... sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài cũng như cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian tới.

Ông Oliver Massmann - Tổng giám đốc Cty Luật Duane Morris Việt Nam, người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam, cho rằng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng sự quan tâm tại thị trường này và muốn vào theo con đường M&A. “Sự hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới đang mang lại những cơ hội mới cho hoạt động M&A. Những tín hiệu tích cực khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, cải cách chính sách nhằm mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài cùng vơi việc kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do,” ông Massmann nói. Thêm vào đó, các bộ luật được bổ sung, sửa đổi như Luật DN và Luật Đầu tư cũng đã tạo môi trường kinh doanh tốt hơn và thuận lợi hơn cho hoạt động M&A, theo ông Massmann.

“Xu hướng sẽ tiếp tục trong năm tới. Nếu như các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh, họ sẽ tiếp cận được các thị trường lớn là các nước thành viên của TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU”, ông Massmann nói. Với kinh nghiệm của mình, ông cũng cho biết trong vòng vài năm qua đã có nhiều dự án đầu tư của các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật, EU tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh do các hiệp định thương mại mang lại, bởi vì “thời gian là cốt yếu và những người đến đầu sẽ hưởng lợi nhiều nhất”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vốn FDI ngày càng "dày" qua "cửa" M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO