Thời gian qua, 14 địa phương trong Vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư bảo đảm nguồn lực cho phát triển.
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích lớn thứ hai cả nước, dân số gần 12 triệu người, là vùng có tiềm năng lớn về kinh tế biên mậu nhờ đường biên giới 1.273 km với Trung Quốc và 610 km với Lào. Bên cạnh đó, tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp và đặc biệt là tiềm năng du lịch.
Tăng trưởng GRDP của vùng đạt khá
Theo báo cáo của các địa phương, Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, tính đến đầu tháng 7/2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đạt 7,6%, cao hơn bình quân cả nước (6,76%); thu ngân sách của vùng đạt gần 30.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 76.000 tỷ đồng, số doanh nghiệp được thành lập mới toàn vùng là 1.881 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng GRDP của vùng đạt khá nhưng mới chỉ tập trung ở một số tỉnh, tốc độ phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.
Có thể bạn quan tâm
12:43, 08/08/2019
15:38, 08/08/2019
19:44, 31/07/2019
14:15, 24/07/2019
Về đầu tư công, kế hoạch năm 2019 toàn vùng đã giao là 33.374 tỷ đồng, đạt 95,4% so với số vốn được Quốc hội thông qua. Tổng số vốn giải ngân 7 tháng 2019 của vùng đạt 13.319 tỷ đồng, đạt 39,9% kế hoạch giao, cao hơn bình quân cả nước (38%). Dự kiến cả năm giải ngân 97,5%.
Thời gian qua, các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài bảo đảm nguồn lực cho phát triển. Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 9%, thu ngân sách đạt 64.138 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 321.296 tỷ đồng; giảm 2,74% tỷ lệ hộ nghèo.
Cần tăng tính liên kết
Ngày 8/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị đầu tiên của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc tại tỉnh Tuyên Quang với sự tham gia của Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cục Thống kê…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết: "Đây là cơ hội để các đại biểu liên quan trao đổi thẳng thắn về tất cả các lĩnh vực xây dựng kế hoạch, đầu tư, đầu tư công, thúc đẩy giải ngân, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, liên kết vùng".
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn: "Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và mỗi địa phương. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch và hướng đến tính dự báo dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững".
Tại Hội nghị ngày 8/8, nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh trong vùng cần tranh thủ nguồn vốn để đầu tư phát triển. Theo đó, Chính phủ tiếp tục phân bổ nguồn vốn cho việc di dân tái định cư các công trình thủy điện; bổ sung kế hoạch trung hạn, nguồn vốn ODA cho các dự án trên địa bàn các tỉnh; thực hiện các chính sách mới do Trung ương ban hành như hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối kỳ của giai đoạn 2016-2020, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, năm 2020, các tỉnh trong vùng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành kinh tế và đổi mới môi hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tái cơ cấu ngành kinh tế.
Ngay từ bây giờ, các địa phương nêu bật các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của ngành như: Quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, vốn ODA, phát triển khu - cụm công nghiệp…