"Xanh hóa” tư duy

Minh Anh 14/06/2022 12:00

Ông Đặng Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty NS BlueScope Việt Nam khẳng định "xanh hoá" sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

>>CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững

Với mục đích hướng tới "Nền kinh tế xanh, Tăng trưởng xanh" đi theo xu hướng không thể đảo ngược, trả lời DOANH NHÂN, ông Đặng Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty NS BlueScope Việt Nam khẳng định: quan trọng nhất là sự thay đổi trong tư duy của người đứng đầu.

Ông Hùng chia sẻ, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Đây cũng được xem là động lực để các doanh nghiệp có cùng tư duy phát triển hướng đến giải pháp chuyển đổi xanh để tìm kiếm giá trị tối ưu, phát triển bền vững trong tương lai.

- Như ông nói, phát triển xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế và là hướng đi "không thể đảo ngược" của các doanh nghiệp. Vậy theo ông tại sao lại có sự dịch chuyển này?

COP26 là một lời khẳng định mạnh mẽ từ Việt Nam cho việc cắt giảm khí nhà kính.

Ở góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng các giải pháp phát triển xanh như công trình xanh mà NS BlueScope Việt Nam đã và đang đặt mục tiêu cho bây giờ và tương lai trở thành nhu cầu tối thiểu cho chiến lược phát triển bền vững của các tập đoàn đa quốc gia.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, để đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn lớn khi gia nhập chuỗi cung ứng, việc cắt giảm khí nhà kính trong vận hành trở thành một yêu cầu bắt buộc. Nhu cầu của các nhà đầu tư luôn mong muốn tạo ra những công trình ghi dấu không chỉ về mặt thiết kế mà còn hiệu quả về mặt vận hành. Công trình xanh là những gì các nhà đầu tư luôn mong muốn hướng đến để có thể nâng cao hiệu suất sử dụng, tạo sự thoải mái cho người lao động hàng ngày được làm việc ở đây.

Vì vậy, công trình xanh không chỉ là xu thế mà đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp.

- Có nhiều ý kiến cho rằng công trình xanh chẳng qua là “mốt” là chiêu đển doanh nghiệp đẩy mạnh việc bán hàng thưa ông?

Công trình xanh là “mốt” là chiêu để đẩy mạnh bán hàng, đó là câu chuyện cách đây 10 năm trước, khi những bộ tiêu chuẩn về công trình xanh như: LEED, EDGE, Green Mark… còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam và các nhãn hàng không có những yêu cầu khắt khe về môi trường bền vững.

Nhưng với những yêu cầu của các nhãn hàng lớn trên thế giới như: Unilever, Nestle, Nike, Puma… trong những năm gần đây thì công trình xanh trở thành điểm cộng của các nhà cung ứng đối với nhãn hàng, điều này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh soi với các đối thủ gia công khác trong cùng chuỗi cung ứng.

Xu thế của người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về phát triển bền vững, trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến yếu tố XANH từ những nhà sản xuất có cơ sở vật chất – nhà máy xanh và công nghệ sản xuất thân thiện môi trường.

Từ những điều này, có thể nói rằng công trình xanh đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

- Nhưng doanh nghiệp Việt Nam có tới 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, trong khi đó, các dự án, công trình, hướng đi xanh... đều cần đầu tư lớn, chi phí cao. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt rơi vào thế "lực bất tòng tâm", thưa ông?

Đầu tư nào cũng phải tốn kém - đó là điều tất yếu.

Đơn cử, tôi lấy ví dụ từ công trình xanh. Các công trình xanh nói chung thường có chi phí cao hơn so với các công trình bình thường dao động từ 10-15% tổng chi phí xây dựng.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì công trình xanh sẽ đem lại những lợi ích bền vững trong suốt thời gian vận hành, trước tiên có thể kể đến đó là việc tiết kiệm năng lượng, cắt giảm khí nhà kính hay tạo ra môi trường làm việc thoải mái cho người lao động, phần nào đó sẽ duy trì được sự gắn kết của người lao động với môi trường làm việc và tiết kiệm chi phí cho việc thay đổi lực lượng lao động thường xuyên.

>>Lan toả chiến lược phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp

Tóm lại, "xanh hoá" sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp và duy trì tính liên tục của doanh nghiệp. Điều này phải được bắt nguồn từ bộ óc doanh nghiệp - người chủ doanh nghiệp - doanh nhân. Và vì vậy tôi tin các doanh nghiệp Việt đều đang cân nhắc cho mục tiêu phát triển bền vững này.

- Ông nói nhiều đến việc thay đổi chiến lược doanh nghiệp mà điều này chính là yêu cầu đặt ra với doanh nhân. Vậy theo ông, để doanh nghiệp thực sự được xanh hóa, doanh nhân cần chuyển đổi những gì trong tư duy?

Trước tiên, lãnh đạo doanh nghiệp cần có tầm nhìn cho sự phát triển dài hạn. Xanh hóa là quá trình cải tiến liên tục trong dây chuyền sản xuất, duy trì sự tuân thủ nhằm hạn chế phát thải đột biến. Ngoài ra, việc hợp tác giữa các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng để tối ưu hóa quá trình tạo ra giá trị dòng và nâng cao hiệu quả vòng đời sản phẩm – hay còn gọi là kinh tế tuần hoàn là yếu tố tạo ra sự ảnh hưởng lớn cho việc xanh hóa doanh nghiệp.

 Cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 rất phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu COVID-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua.

Thật vậy, đối với NS BlueScope Việt Nam – chống biến đổi khí hậu hay xanh hóa doanh nghiệp là một trong 5 mục tiêu phát triển bền vững. Nó không chỉ dừng lại trong phạm vi nhà máy của chúng tôi mà còn được mở rộng ra đối với chuỗi cung ứng của chương trình Chuỗi Cung Ứng Bền Vững để quá trình xanh hóa được lan tỏa và áp dụng bao gồm luôn những đối tác đang đồng hành cùng BlueScope.

- Xu hướng phát triển kinh tế xanh đang được nhiều quốc gia lựa chọn để tiết kiệm hơn và có tầm nhìn xa hơn, ở góc độ doanh nhân, theo ông doanh nghiệp cần làm gì?

Phát triển kinh tế xanh là yếu tố thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng một cách bền vững, có sự phục hồi nhằm đảm bảo tính liên tục cho sự phát triển.

Ở góc độ doanh nghiệp, bên cạnh thực hiện xanh hóa từ nội bộ, đó là chiến lược cắt giảm khí nhà kính 30% đến năm 2030 hay trung hòa carbon đến năm 2050 thì sự đồng hành của các đối tác trong chuỗi cung ứng là cần thiết và rất quan trọng cho việc thực hiện phát triển kinh tế xanh.

- Chúc cho các doanh nhân, doanh nghiệp và NS BlueScope Việt Nam thực sự phát triển xanh, phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt may

    Dệt may "xanh hoá" nguồn năng lượng phục vụ sản xuất

    04:02, 03/06/2022

  • Xanh hoá từ... xử lý rác thải

    Xanh hoá từ... xử lý rác thải

    02:06, 10/05/2022

  • Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may

    Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may

    11:00, 23/03/2022

  • "Xanh hóa" ngành ngân hàng để tăng trưởng "xanh"

    09:10, 03/03/2022

  • Long An “xanh hóa” môi trường đầu tư

    Long An “xanh hóa” môi trường đầu tư

    10:58, 09/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Xanh hóa” tư duy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO