Xây dựng chế tài an toàn và bảo mật giao dịch trong hệ thống thanh toán ngân hàng

DƯƠNG THUỲ 21/08/2023 12:00

Đây là chương trình do NHNN, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, nhằm thảo luận, xây dựng các chế tài đảm bảo an toàn bảo mật cho hệ thống ngân hàng và giao dịch tài chính.

>>>Thúc đẩy trải nghiệm lợi ích của thanh toán điện tử

Cần có chế tài đảm bảo an toàn giao dịch trong hệ thống

Các chuyên gia cho răng cần có chế tài đảm bảo an toàn giao dịch điện tử

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, chuyển đổi số (CĐS) của ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đạt được một số kết quả. Giai đoạn 2020 – 2025 cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, CĐS rất quan trọng và thiết thực. Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, CĐS có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.

Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có CĐS thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.

Có thể nói, để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc CĐS. NHNN đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các NHTM với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc CĐS.

Bà Winnie Wong- Đại diện Master Card cho biết, trong vài năm gần đây, chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trong khu vực và đặc biệt là ở Việt Nam. Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam đã rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ. Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Đó là những nỗ lực không ngừng tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ các giao dịch, phục vụ khách hàng tốt hơn, và đem đến hiệu quả cho không chỉ riêng một ngân hàng mà toàn ngành ngân hàng nói chung.

Xu hướng này ở Việt Nam thậm chí phổ biến hơn các nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện  94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này là 94%... Việt Nam đang dẫn đầu trong việc nắm bắt kỹ thuật và chuyển đổi số. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục, các ngân hàng sẽ tiếp tục cập nhật, sử dụng và phát triển hơn nữa để nâng cao các dịch vụ ngân hàng và phục vụ tốt hơn cho khách hàng Việt Nam.

Cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi... Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi số, không chỉ các các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính.

Các ngân hàng sẽ cần đầu tư vào công nghệ để đảm bảo an ninh an toàn, mà một ví dụ là Techcombank đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ. Ngoài ra, cần có sự hợp lực với cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo về mặt chính sách để có cơ sở pháp lý trong trường hợp sự cố xảy ra. 

Hiện Mastercard cũng đang hợp lực cùng với các ngân hàng và tổ chức tài chính để xây dựng các giao dịch an toàn và bảo mật. Trong 5 năm vừa qua, Mastercard đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào việc tự phát triển công nghệ, mua các công nghệ mới hoặc đầu tư vào các công ty công nghệ để có thể tạo ra sự đổi mới giúp ngăn chặn tấn công và củng cố an ninh mạng. Trong 3 năm vừa qua,  MasterCard đã ngăn chặn được 35 tỷ USD từ các cuộc tấn công mạng nhờ các công nghệ và các quan hệ đối tác. 

Do vậy đầu tư vào công nghệ là các ngân hàng và tổ chức tài chính để tiếp tục bảo vệ và đảm bảo mọi giao dịch đều an toàn và bảo mật, đặc biệt là ở Việt Nam.

Vậy NHNN cần có chính sách gì để đảm bảo an toàn giao dịch trong hệ thống? Ông Phạm Anh Tuấn-Vụ Thanh toán NHNN cho biết, Nghị định sửa đổi Nghị định101/CP đã trình Chính phủ hơn 4 năm; Ngày 8/8 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản là thống nhất với đề xuất trong dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu NHNN hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành trong quý 3/2023.

Nếu Nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức NHNN sẽ ban hành 7 Thông tư hướng dẫn liên quan. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì dự thảo Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

"Hiện nay, hệ thống thanh toán quốc gia đang giao dịch trên 800.000 tỷ đồng/ngày; hệ thống qua Napas có số lượng giao dịch trong năm 2022 đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt con số là 8,4 tỷ giao dịch/năm. Với số lượng giao dịch lớn như vậy, việc đảm bảo hệ thống thanh toán thông suốt là hết sức quan trọng. NHNN sẽ tích cực đôn đốc các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, bảo mật theo đúng như các bước đặt ra trong kế hoạch CĐS của ngành Ngân hàng mà Thống đốc đã ban hành", Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Thống đốc NHNN: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng

    Thống đốc NHNN: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng

    11:00, 16/08/2023

  • Sau 2 tháng ban hành, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ được nghiên cứu, sửa đổi

    Sau 2 tháng ban hành, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ được nghiên cứu, sửa đổi

    19:40, 16/08/2023

  • VARS kiến nghị thu hồi Thông tư 06/2023/TT-NHNN

    VARS kiến nghị thu hồi Thông tư 06/2023/TT-NHNN

    20:05, 17/08/2023

  • Hướng sửa đổi kỳ vọng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN

    Hướng sửa đổi kỳ vọng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN

    12:41, 20/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng chế tài an toàn và bảo mật giao dịch trong hệ thống thanh toán ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO